Giá vàng trong nước tăng mạnh trong khi giá vàng thế giới khó có xu hướng tăng

author 16:58 12/08/2021

(VietQ.vn) - Chỉ sau một phiên cầm cự với mức giá 1.730 USSD/ounce, giá vàng trong nước hôm nay tăng vọt khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, USD suy yếu so với nhiều đồng tiền khác

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay hiện được giao dịch ở mức 1.751 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ khoảng 48,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trang sức khoảng gần 3 triệu đồng/lượng.

Sau khi rơi mạnh trong phiên trước đó, cuối phiên 11/08 (rạng sáng ngày 12/08 giờ Việt Nam), mức giá kim loại quý đã hồi phục sau khi dữ liệu giá tiêu dùng tại Mỹ đã xoa dịu lo ngại rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm hỗ trợ kinh tế sớm hơn dự báo. Báo cáo cùng ngày cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 của Mỹ vọt 5,4% kể từ năm ngoái, cao hơn so với dự báo tăng 5,3% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số lạm phát đã hỗ trợ niềm tin của Fed rằng áp lực giá cả tăng cao chỉ là “tạm thời” khi nền kinh tế phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giá vàng trong nước tăng vọt lên 57 triệu đồng/lượng, trong khi đó trên thị trường thế giới, kim loại quý này vẫn khó duy trì được xu hướng tăng. Ảnh minh hoạ

Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa tại Commonwealth Bank of Australia nhận định, vàng đã phục hồi sau đợt giảm sốc 100 USD trong tuần trước, tuy nhiên, rất khó để duy trì xu hướng tăng giá đối với kim loại quý này.

Fed hiện vẫn giữ lãi suất gần bằng 0, nhưng các quan chức đã báo hiệu rằng, việc tăng lãi suất có thể sớm xảy ra, đặc biệt là khi lạm phát đang tăng nóng.

Dominic Schnider, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cũng dự đoán rằng, lợi suất thực tế sẽ "ít tiêu cực hơn" và điều đó đồng nghĩa với việc vàng sẽ giảm giá.

Ông Schnider phân tích, khi lợi suất thực tế tăng lên, giá vàng đi xuống và ngược lại. Trong trường hợp như vậy, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lợi, sẽ cao hơn vì các nhà đầu tư đang bỏ qua khoản lãi mà nếu không sẽ kiếm được từ tài sản sinh lời. Khi USD mạnh hơn, kết hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng dần cho thấy, giá vàng sẽ theo xu hướng giảm. Kim loại quý sẽ giảm xuống 1.700 USD/ounce vào quý I/2022. 

Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước quay đầu tăng trở lại khi thị trường thế giới hồi phục. Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm tới 26 đồng mỗi USD so với hôm qua, về mức 23.152 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng từ đó cũng có ảnh hưởng mạnh, khi lao dốc về quanh 22.710 đồng/USD mua vào, 22.910 đồng/USD bán ra, giảm tới 70 đồng mỗi USD so với hôm qua. Đây là mức giảm rất mạnh của đồng USD trong nhiều ngày qua.

Lúc 9 giờ, SJC niêm yết giá vàng ở mức 56,40 đến 57,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch liền kề. Chênh lệch giá bán vàng hiện đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng PNJ được doanh nghiệp giao dịch mua vào 50,85 triệu đồng/lượng, bán ra 52,25 triệu đồng/lượng, tăng tới 400.000 đồng mỗi lượng.

Thương hiệu Bảo tín Minh Châu giá vàng SJC vẫn niêm yết ở mức 56,90 đến 57,52 triệu đồng/lượngGiá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch từ 51,51 đến 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch phổ biến quanh 50,45 triệu đồng/lượng mua vào, 51,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng.

Về mặt kỹ thuật, giới phân tích dự báo trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể bứt phá mức cản 1.760 USD/ounce để hướng tới 1.800 USD/ounce. Ngược lại, giá vàng không vượt qua mức cản này sẽ lùi về vùng 1.700 USD/ounce.

Diệu Hương (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang