Giải bài toán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường Hà Nội

author 06:54 17/01/2019

(VietQ.vn) - Năm 2018, thị trường Hà Nội vẫn còn diễn ra các hiện tượng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả... với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Năm 2018, bên cạnh những kết quả đạt được trong lĩnh vực thị trường hàng hóa như chủng loại, mẫu mã, chất lượng, số lượng, thị trường Hà Nội vẫn còn diễn ra các hiện tượng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

PV đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhằm mổ xẻ những căn nguyên của hiện tượng trên.

Ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

PV: Ông nhận định gì về ảnh hưởng của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính?

Ông Nguyễn Đắc Lộc: Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trên địa bàn thành phố Hà Nội - những đối tượng chịu thiệt thòi nhất về kinh tế do nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Hơn nữa, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, mất động lực sáng tạo về trí tuệ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng  giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố (thất thu ngân sách), ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 6 thu giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xử trên địa bàn.

PV: Thực tế trong năm 2018, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn tồn tại trên thị trường Hà Nội, nhưng so với các năm trước, ông có đánh giá như thế nào về sự tồn tại đó?

Ông Nguyễn Đắc Lộc: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật mạnh mẽ hơn ở Hà Nội nói riêng, các tỉnh thành trên cả nước nói chung nên vấn đề gian lận thương mại đã được kiểm soát tương đối tốt so với mọi năm.

Hơn nữa, Hà Nội đã làm tốt hoạt động kết nối giao thương với các tỉnh trên cơ sở nhiều hoạt động xúc tiến. Chính vì vậy hàng hóa về Hà Nội tương đối dồi dào, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có hiện tượng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Từ đó đẩy lùi được gian lận thương mại trong đó có hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường kiểm soát tại các chợ. Hàng hóa tại đây cũng có sự chỉn chu hơn. Bản thân người tiêu dùng vì có nhiều kênh để tiếp cận nên nhiều người đi chợ có thể sử dụng smartphone để tra mã code, mã QR. Bản thân họ cũng chuyển dịch sang cách mua sắm tối ưu nên việc doanh nghiệp làm hàng giả cũng khó hơn.

Tự thân các doanh nghiệp cũng có sự chuyển mình cao vì nếu không chuyển mình sẽ tụt hậu. Vì vậy bản thân các doanh nghiệp vừa là chất lượng vừa là mẫu mã, công nghệ và giá cả, vừa là tuyên truyền quảng cáo vì không chỉ giải quyết nội địa mà còn xuất khẩu. Có thể nói giá trị công nghiệp của Hà Nội tăng nhanh nhờ ý thức của các doanh nghiệp rất nhiều.

 
Trong năm 2018, Cục đã kiểm tra 9.245 vụ, xử lý 8.699 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại... với số tiền là 125,279 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính 55,427 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu là 25,311 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy, chuyển đổi mục đích hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm là 44,541 tỷ đồng. Có 14 vụ đã chuyển hồ sơ sang công an khởi tố.

Đặc biệt, trong công tác chống buôn bán hàng cấm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 144 vụ, phạt hành chính 1,251 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 3,507 tỷ đồng. Công tác chống buôn bán hàng nhập lậu đã kiểm tra, xử lý 1.733 vụ, phạt hành chính 13,743 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 33,849 tỷ đồng. Đối với công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, trong năm qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.535 vụ, phạt hành chính 14,481 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 14,001 tỷ đồng.
 

PV: Những tồn tại trên thị trường Hà Nội, theo nhìn nhận của ông là những vấn đề gì? Và mặt hàng nào được nhắc đến nhiều nhất trong sự tồn tại ấy?

Ông Nguyễn Đắc Lộc: Nhìn lại năm qua, hàng giả (giả về nguồn gốc xuất xứ, tên thương mại, chỉ dẫn, chất lượng), hàng nhái vẫn còn. Hà Nội làm quyết liệt nhưng chúng tôi cũng kiến nghị cần có sự kiểm soát vấn đề xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới. Muốn giảm thiểu hàng giả, hàng vi phạm sử hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng có nguồn gốc xuất xứ từ biên giới thì luôn luôn phải làm tốt vấn đề kiểm soát.

Hiện nay có một hiện tượng còn tồn tại là việc làm hàng giả, tên thương mại của những đơn vị, nhãn hàng có dấu ấn trên thị trường. Tôi đã thụ lý nhiều vụ việc liên quan tới sở hữu trí tuệ, làm na ná các thương hiệu đã có mặt tốt trên thị trường. Đây cũng là lĩnh vực vi phạm nhiều trong thời gian qua. Giá trị của chúng không lớn, mỗi cửa hàng chỉ bày bán một ít sản phẩm. Vấn đề này muốn giải quyết được phải có sự đồng hành của các đơn vị bán sản phẩm chính hãng để xác định đây là hàng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng của họ.

Hàng lậu tuy không còn kho lớn và có tổ chức nhưng vẫn còn tồn tại ở quy mô nhỏ hơn. 

Những 'vết đen' buôn lậu tai tiếng của tiếp viên, phi công hãng hàng không Vietnam Airlines(VietQ.vn) - Những "vết đen" về các vụ buôn lậu của tiếp viên, phi công hãng hàng không Vietnam Airlines từng nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Từ những vấn đề trên, phía Cục Quản lý thị trường đã xây dựng những kế hoạch như thế nào trong năm 2019 để kiểm tra, kiểm soát tốt các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường?

Ông Nguyễn Đắc Lộc: Trong năm 2019, ngay từ đầu năm chúng tôi sẽ phải ban hành những kế hoạch để khắc phục được các vấn đề như tôi đã trao đổi trên. Thứ 2 phối hợp thật tốt các ngành trong đó có công an, hải quan… Tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ người, rõ việc; kiểm tra quyết liệt không để xảy ra hiện tượng bày bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng…

Thực hiện tốt bản giao ước về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Cục Quản lý thị trường Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và biên giới nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Tăng cường tuyên truyền nhưng thay đổi hình thức tuyên truyền để làm sao sát thực hơn. 

Thứ 3, hiện nay chúng ta đã có một số chế tài cũng là công cụ để xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm sử dụng chất cấm, kháng sinh ngoài luồng. Các đối tượng vi phạm sẵn sàng bị truy tố và khởi tố. 

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Nguyễn Huệ (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang