Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội

author 20:02 25/09/2021

(VietQ.vn) - Có lẽ chưa bao giờ sản xuất và xuất khẩu cá tra lại gặp khó khăn như hiện nay. Các biện pháp giãn cách nhằm kiểm soát dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh cá tra, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển chuỗi cá tra.

Tại cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội chiều 25/9/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cá tra là ngành sản xuất chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất cá tra ngày càng rõ. Cần có những giải pháp đảm bảo sản xuất vừa an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng phải linh hoạt để phục hồi kinh tế.

 Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa internet

52 nhà máy chế biến cá tra dừng hoạt động

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ngành hàng cá tra bắt đầu hồi phục trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng từ tháng 7 đến nay, ngành hàng đã đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ tư. Giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Về sản xuất giống, cả nước hiện có 130 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó 96 cơ sở đang hoạt động. Tính đến ngày 15/9/2021, tổng lượng giống sản xuất đạt 2,33 tỷ con giống, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, lượng giống sản xuất trong giai đoạn giãn cách đã giảm mạnh.

Tương tự, diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7 và tháng 8) đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng giãn cách xã hội giảm tương ứng là 20% và 44,9% so với tháng 7, 8 năm 2020. Đặc biệt, nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh ĐBSCL với số lao động ước khoảng 190 ngàn. Tính đến đầu tháng 9/2021, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.

Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất các nhà máy chỉ khoảng 30- 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra cũng bị giảm mạnh trong 2 tháng giãn cách. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng 7/2021. Ước 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,054 tỷ USD, tăng  6,2% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ sự tăng trưởng mạnh của một số thị trường như Nga, Ai Cập, Brazil, Comlubia, Mỹ.

Điều chỉnh linh hoạt các quy định chống dịch

Theo đại diện Hiệp hội Thủy sản (Vasep), khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng xuất khẩu cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới.

Do giãn cách xã hội và các qui định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy. Các hộ giống đã ngưng thả giống 2 tháng nay, do đó sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra, dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.

Chi phí sản xuất tăng rất cao do năng suất giảm mạnh, cộng với chi phí bảo đảm an toàn cho sản xuất “3 tại chỗ” tăng từ 30 đến 70%, chưa kể chi phí mua nguyên liệu. Đây là cản trở lớn cho doanh nghiệp quay lại sản xuất, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng bán hàng và bồi thường hợp đồng do không kịp tiến độ giao hàng đang là hiện hữu- đại diện Vasep cho hay.

Để hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản của cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng được ổn định, không bị đứt gẫy, thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, cần có quy định tháo gỡ giúp doanh nghiệp thu mua, chế biến sớm hoạt động trở lại với công suất tối đa.

Cùng với đó, ưu tiên bổ sung tiêm vaccine đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi hoặc có cơ chế xã hội hóa trong việc tiêm vaccine để doanh nghiệp chủ động tiêm cho công nhân. Đối với người đã được tiêm vaccine từ 01 mũi trở lên, sau 14 ngày được phép lưu thông bình thường.

Khơi thông ách tắc trong lưu thông, vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (con giống, thức ăn, máy móc, thiết bị, nước đá, ngư lưới cụ …); không dựng lên rào cản tại các xã/huyện/tỉnh lộ. Đặc biệt là cần có giải pháp điều chỉnh giảm giá thức ăn thủy sản để hỗ trợ, chia sẻ với người nuôi trong lúc khó khăn hiện nay- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Đồng tình với những kiến nghị của Tổng cục Thủy sản, đại diện Vasep đề nghị, thay thế phương án “3 tại chỗ” bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc. Cho phép các nhà máy có số lượng tiêm mũi 2 vaccine trên 60%, có năng lực quản lý kiếm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, được mở rộng qui mô tối đa.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét và ban hành các chính sách hỗ trợ cho Doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, thuế... để doanh nghiệp mạnh dạn tính các bài toán khôi phục kinh tế.

Nhận định việc phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội chính là dịp thử thách sự liên kết vùng của ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, 13 tỉnh ĐBSCL phải là một thực thể kinh tế. Công tác xúc tiến thương mại cần phải thực hiện theo vùng, cho cả 13 tỉnh ĐBSCL. Việc phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới với điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh đòi hỏi phải có giải pháp linh hoạt, nhiều khi khe cửa rất hẹp, đây chính là thể hiện bản lĩnh của địa phương và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, doanh nghiệp sản xuất cá tra cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển dài hơi. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành và giữ vai trò điều phối ngành hàng cá tra với các tỉnh ĐBSCL để cùng nhau vượt qua đại dịch, phát triển chuỗi cá tra, nâng cao giá trị của mặt hàng này trên thị trường quốc tế- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang