Giải pháp phục hồi sản xuất nông, thủy sản ở Nam Bộ sau giãn cách xã hội

author 19:03 17/09/2021

(VietQ.vn) - Đối với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải được nhìn nhận như một thực thể kinh tế chứ không phải mảnh ghép của 13 địa giới hành chính. Cần phải tư duy lại, tư duy liên vùng để phục hồi sản xuất nông, thủy sản ở Nam Bộ sau giãn cách xã hội.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực Nam Bộ diễn ra ngày 17/9/2021.

Cần khuyến khích bà con nông dân phục hồi sản xuất thì mới có nguyên liệu để chế biến. Ảnh minh họa internet 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính.

Đã có nhiều địa phương họp để bàn giải pháp sau dịch nhưng nếu chỉ tư duy cho tỉnh mình thì sẽ không bao giờ thành công. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương cùng thay đổi tư duy. Hai bên cùng ngồi lại kiến tạo không gian vừa an toàn phòng chống dịch và vừa đạt hiệu quả trong sản xuất- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chia sẻ về những khó khăn trong phục hồi sản xuất sau giãn cách, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 đến 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5  đến 2 năm.

Việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” có sự khác nhau giữa các tỉnh. Việc xét nghiệm cho công nhân có nơi xét nghiệm 20%, có nơi 30% tổng số công nhân. Đây đang là chi phí quá lớn với doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về vấn đề này; quy định rõ tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi- ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19…

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị, cần có giải pháp khuyến khích bà con nông dân phục hồi sản xuất thì mới có nguyên liệu để chế biến, từ đó có thể tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại các nhà máy.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa..., cơ quan chức năng cần điều chỉnh quy định làm các thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới.

Để phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội, theo các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, ngoài tạo thuận lợi trong vấn đề lưu thông, cần ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”; khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến; tăng cường kết nối thị trường để tránh đứt gãy thêm chuỗi sản xuất... Cùng với đó, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp theo các kịch bản phù hợp tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang