Giải pháp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU

author 06:00 14/12/2022

(VietQ.vn) - Việt Nam khá kỳ vọng vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ EU, bởi kèm theo vốn từ EU là các dự án công nghệ cao và trọng yếu đối với nền kinh tế, là kỹ năng quản trị tiên tiến.

Sau hơn hai năm đi vào thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã góp phần đẩy mạnh vốn FDI từ EU vào Việt Nam với dòng vốn chất lượng cao và các nhà đầu tư lớn. Chúng ta cũng rất kỳ vọng vào nguồn vốn này, bởi kèm theo vốn từ EU là các dự án công nghệ cao và trọng yếu đối với nền kinh tế, là kỹ năng quản trị tiên tiến. 

Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ EU chưa tương xứng với tiềm năng mà doanh nghiệp EU có thể mang lại. Ảnh minh họa. 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 8 năm 2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với 2.384 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 6,42% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. EU hiện đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.

Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái với số dự án cấp mới đạt 104 dự án. Trong đó, FDI của EU vào Việt Nam chủ yếu đang tập trung vào 3 ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, dù số lượng và giá trị của các dự án FDI của EU vào Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU. Điều này cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam từ EU chưa tương xứng với tiềm năng mà các doanh nghiệp EU có thể mang lại. Tính trên tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của EU, Việt Nam mới chỉ nhận được lượng vốn đầu tư vô cùng khiêm tốn.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nhận định, Hiệp định EVFTA là điểm nhấn để thu hút đầu tư từ châu Âu nói chung, từ Đức nói riêng vào Việt Nam và tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư Châu Âu, nhà đầu tư Đức yên tâm để đầu tư ở Việt Nam một cách bền vững và lâu dài.

Đối với riêng các nhà đầu tư Đức, bà Trang cho biết, hiện nay doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư về những ngành sản xuất, công nghệ cao, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, về IT, phát triển phần mềm, ngành thực phẩm, chế biến đồ uống, điện tử.

Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.  

Với mục tiêu đầu tư lâu dài, bền vững tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư Đức mong muốn hợp tác với doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm của họ sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Đức cũng sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ, kết hợp đào tạo với nguồn nhân lực trong nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn của Đức để có thể nâng cao sức cạnh tranh và lớn mạnh bền vững bằng chính nội lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhìn chung, để thu hút và tận dụng được nguồn lực đầu tư từ EU, bà Trang khuyến nghị các cơ quan quản lý của Việt Nam cần tăng cường hiệu quả công tác thực thi Hiệp định để có thể phát huy, gia tăng thương mại, đầu tư của EU vào Việt Nam thông qua EVFTA. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, góp phần tăng hàm lượng nội địa hóa của sản xuất trong nước.

Để có thể tận dụng được cam kết về xuất xứ và lợi thế từ EVFTA Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất với những nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước để có thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ mà EVFTA đưa ra. Đồng thời cần có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng giúp các nhà đầu tư Đức và nhà đầu tư châu Âu nói chung yên tâm phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang