Giảm phát thải khí nhà kính ngành dầu khí để thích ứng với biến đổi khí hậu

author 05:49 29/05/2024

(VietQ.vn) - Nhằm bảo đảm thực hiện cam kết trung hòa carbon đến 2050 nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí đã hưởng ứng tích cực trong việc chuyển đổi xanh.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải. 

Để triển khai Chiến lược này hiện này ngành dầu khí đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược Chuyển đổi năng lượng xanh nhằm chuyển đổi các hoạt động và chuỗi giá trị theo hướng tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon; phát triển công nghiệp khí hydro và phát triển điện gió ngoài khơi.

Trong đó nhiều doanh nghiệp điển hình đang theo đuổi các mục tiêu đạt được lượng khí thải carbon bằng 0 trong hoạt động của mình. Điều này liên quan đến sự kết hợp giữa giảm phát thải trực tiếp thông qua hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, giảm gián tiếp thông qua các dự án bù đắp carbon. 

Thực hiện chuyển đổi xanh ngành dầu khí góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay. Đây cũng là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam cũng đã công bố các mục tiêu giảm phát thải.

Số liệu của Petrovietnam cho thấy, phát thải khí nhà kính giai đoạn 2018 - 2022 của Petrovietnam khoảng 20 triệu tấn CO2 tương đương/năm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực điện (53,5%), tiếp theo là lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí (22,22%) và lĩnh vực chế biến dầu khí (15,5%). Phát thải dự kiến sẽ tăng sau khi triển khai vận hành các dự án mới như nhà máy điện, nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu và khai thác các mỏ dầu khí có hàm lượng CO2 cao.

Từ năm 2019 đến nay, Petrovietnam đã triển khai đồng bộ thực hiện kế hoạch giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đơn vị. Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được cập nhật hằng năm, tập trung chủ yếu vào các nhóm giải pháp giảm đốt khí đồng hành, tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm nguyên nhiên liệu và sử dụng năng lượng tái tạo. Trong đó riêng năm 2022, các giải pháp giảm phát thải đã thực hiện giảm được khoảng 0,58 triệu tấn CO2, trong đó chủ yếu là giải pháp vận hành thu hồi khí đồng hành trong khai thác dầu khí, sử dụng khí permeate cho sản xuất đạm và tiết kiệm năng lượng. Hiện Tập đoàn đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết mới của Việt Nam.

Dự kiến, đến năm 2025, Petrovietnam sẽ cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031 - 2050, kế hoạch của Petrovietnam là sẽ triển khai các giải pháp “xanh hóa" các nhà máy điện than, các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon (CCS/CCUS); tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch như hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” có tính khả thi; phát triển chuỗi giá trị thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), hydrogen “xanh”, NH3 “xanh” trong nước và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải biển.

Theo đánh giá, lượng phát thải trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng. Điều này đạt được là do các hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất của Petrovietnam hiện đại so với mặt bằng chung của ngành năng lượng Việt Nam.

Ông Đặng Việt Long - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long - Hoàn Vũ (HL-HV JOCs) chia sẻ, trong chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, Đảng và Nhà nước rất chú trọng tới phát triển bền vững ngành dầu khí, cùng với đó là những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Chính vì vậy nên ngoài việc tập trung tối đa các nguồn lực nhằm gia tăng sản lượng khai thác, HL-HV JOCs còn tập trung nghiên cứu và thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các công trình do HL-HV JOCs điều hành. Trên tinh thần đó, HL-HV JOCs đã chủ động kiểm kê và nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong hoạt động khai thác dầu khí, trồng rừng… Đây là cơ sở để HL-HV JOCs có cái nhìn tổng quan hiện trạng phát thải khí nhà kính của cơ sở và là tiền đề để HL-HV JOCs đánh giá mức đầu tư, chi phí và kỹ thuật khả thi đối với các dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính định hướng trong ngắn hạn và dài hạn.

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng đặt ra lộ trình giảm phát thải ròng đến năm 2030 giảm 20%, năm 2040 giảm 50% và Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP sẽ tập trung vào các giải pháp gồm: nỗ lực giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu; lưu giữ và tàng trữ carbon (CCS/CCUS); mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp; Tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp carbon trên cơ sở trồng rừng.

Trong đó, giải pháp được PVEP quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS (Carbon Capture Storage) - thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó vận chuyển đến các điểm lưu giữ lâu dài.

Cụ thể, thu hồi CO2 từ các nhà máy xử lý khí, nhà máy điện, nhà máy xi măng, thép. Thông qua hệ thống vận chuyển bằng đường ống, xe bồn, tàu để chế biến ra hóa chất, nhiên liệu tổng hợp, vật liệu xây dựng hoặc chôn vào lòng đất, lòng biển. Đối với PVEP, giải pháp chôn lấp CO2 vào lòng biển được ưu tiên nghiên cứu, lựa chọn do có lợi thế về cơ sở hạ tầng ngoài biển và kiến thức về địa chất.

Xây dựng, triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng với những định hướng chính bao gồm: Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tiết giảm tối ưu sử dụng năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở sản xuất; phát triển các dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng theo hình thức các "Hub nhập khẩu" kết nối với các tổ hợp nhà máy điện khí và phân phối khí thiên nhiên hóa lỏng cho các thị trường hiện hữu, mở rộng thị trường mới, thay thế các nhiên liệu than, dầu có mức phát thải cao hơn khí…

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang