Giao ban XTTM với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài: Kênh xúc tiến xuất nhập khẩu nhanh và hiệu quả

author 06:21 01/10/2022

(VietQ.vn) - Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một kênh xúc tiến xuất nhập khẩu mới nhanh và hiệu quả. Giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất-nhập khẩu có thể tương tác trực tiếp với các tham tán thương mại, cán bộ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ mang tính thời sự.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022” diễn ra chiều ngày 30/9/2022 tại Hà Nội.

Chìa khóa thành công đối với tăng trưởng xuất khẩu

“Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022” là hội nghị thứ ba thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Hội nghị giao ban trở thành một kênh xúc tiến xuất-nhập khẩu nhanh và hiệu quả 

Nhấn mạnh, thời gian gần đây, vai trò của hệ thống thương vụ nói riêng và hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói chung đối với hoạt động xúc tiến xuất-nhập khẩu được Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm, coi là chìa khóa thành công đối với tăng trưởng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 2 hội nghị trực tuyến với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và Hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào ngày 19/8 và ngày 19/9/2022;

Tại Nghị quyết phiên họp chính Chính phủ tháng 8/2022, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương: “Có giải pháp phù hợp, phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa vai trò của các cơ quan thương vụ, đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài nhằm thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường, hàng hóa xuất khẩu”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, với tình hình tăng trưởng như hiện nay thì nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.

Các chuyên gia nhận định, trong thành tích xuất nhập khẩu trên có sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) với sự tích cực, nỗ lực của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động XTTM để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước 

Cập nhật thời sự thông tin thị trường ngoài nước

Tại Hội nghị giao ban, các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trao đổi những thông tin mang tính thời sự, cập nhật kịp thời yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; đồng thời phổ biến thông tin, chính sách mới, cơ hội thị trường từ nước sở tại.

Nhận định kinh tế Anh đang trong thời kỳ suy giảm, thị trường Anh sẽ giảm nhu cầu những sản phẩm không thiết yếu, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong ký kết hợp đồng kinh tế, nhất là với nhóm sản phẩm không thiết yếu. Đồng thời chọn phương thức thanh toán an toàn để tránh rủi ro.

Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai- Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, đến hết tháng 9/2022, chính sách phòng chống dịch covid-19 của Chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero covid”, đặc biệt tăng cường kiểm tra giám sát nguy cơ nhiễm virut corona từ các lô hàng. Đề nghị các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc để tránh rủi ro và tổn thất.

Hiện tình trạng hacker xâm nhập vào các hệ thống doanh nghiệp, ăn cắp thông tin, tạo tài khoản giả mạo để trao đổi với các doanh nghiệp rất phức tạp. Đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển tiền cho đối tác đã bị hacker xâm nhập và lừa đảo. Vì vậy doanh nghiệp cần thận trọng, xác nhận đúng đối tượng giao dịch trước khi chuyển tiền cho đối tác tại Trung Quốc- ông Nông Đức Lai khuyến cáo.

Thông tin về vấn đề phát triển công nghiệp nền tảng và kết nối đầu tư, xuất nhập khẩu với doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Nguyễn Mạnh Quyền- Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết, làn sóng di chuyển các nhà máy, sản phẩm Trung quốc lĩnh vực lốp xe, đồ gỗ, dệt may, tôn-thép sang Việt Nam đã bị phía Mỹ chú ý. Doanh nghiệp và các hiệp hội Việt Nam cần mềm dẻo, tạo dựng các quan hệ tốt với các Hiệp hội và Cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để giải quyết khi có sự việc.

Bên cạnh đó, cần giám sát các doanh nghiệp Mỹ đang chuẩn bị các dự án lớn đầu tư sang Việt Nam. Những dự án gây phát thải gây ô nhiễm cao sẽ cần phải chuyển đổi công nghệ. Đồng thời, giám sát các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Mỹ để nắm được bản chất hoạt động (là đầu tư hay chuyển vốn, và các yếu tố tội phạm liên quan đến kinh tế- thương mại). Cùng với đó, tăng cường quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại, chống bán phá giá, đầu cơ...-ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Bà Đặng Thị Hải Yến- Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo (kiêm nhiệm Slovenia) cho biết, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào Áo và Slovenia như dệt may, da giày và điện thoại di động đều là sản phẩm gia công cho các công ty đa quốc gia, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu. Dư địa còn lại khoảng 10% là các sản phẩm như thực phẩm, nguyên liệu, đồ gỗ và các nhóm hàng lẻ khác.

Trong bối cảnh chi phí logistics rất cao, hàng hóa Việt Nam vào Áo thường phải đi qua các nước khác như Hà Lan, Séc, hoặc Thái Lan để có chi phí logistics thuận lợi, rẻ hơn. Trong khi đó, Slovenia có cảng Koper, thành phố lớn thứ ba của nước này và là thành phố lớn nhất trên bờ biển Adriatic. Cảng Koper là điểm gần nhất để vận chuyển đến Địa Trung Hải, và qua Kênh Suez đến Trung Đông. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp tập hợp đơn hàng lớn để vận chuyển hàng hóa đường biển từ Việt Nam vào Áo và Slovenia với giá thành rẻ hơn- bà Đặng Thị Hải Yến cho hay.

Tại Hội nghị, đại diện các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trao đổi nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu cụ thể về mặt hàng, về thị trường, kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả.

Chuỗi chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá là một trong những giải pháp để phát huy và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tạo ra một kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất giữa các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước.

Và “Hội nghị giao ban đã dần trở thành một kênh xúc tiến xuất nhập khẩu mới nhanh và hiệu quả. Giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất-nhập khẩu khẩu có thể tương tác trực tiếp với các tham tán thương mại, cán bộ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ mang tính thời sự”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang