Giữ vẹn nguyên nét đẹp lì xì đầu năm mới

author 07:12 24/01/2023

(VietQ.vn) - Lì xì hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới đã trở thành một phong tục, nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết của người Việt Nam. Việc lì xì không quan trọng ở giá trị bao nhiêu tiền mà chủ yếu là ở thiện ý, tấm lòng, mong ước cho người nhận lì xì gặp thật nhiều may mắn, sức khỏe, tài lộc trong năm mới.

Lì xì hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới đã trở thành một phong tục, nét đẹp văn hóa trong mỗi dịp Tết của người Việt Nam. Ảnh minh họa.

Từ xưa đến nay, lì xì hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa trong mỗi dịp Tết của người Việt Nam. Mọi người sẽ chuẩn bị tiền cho vào những chiếc phong bao xinh xắn, màu sắc rực rỡ để mừng tuổi cho người thân trong gia đình và người mình yêu quý.

Việc lì xì không quan trọng ở giá trị bao nhiêu tiền mà chủ yếu là ở thiện ý, tấm lòng, mong ước cho người nhận lì xì gặp thật nhiều may mắn, sức khỏe, tài lộc trong năm mới. Lì xì không giới hạn về thời gian, có thể lì xì vào ba ngày đầu năm hoặc kéo dài đến hết rằm tháng Giêng.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, nét đẹp truyền thống này dường như đang bị biến tướng theo từng mục đích khác nhau của mỗi người thay vì bản chất tốt đẹp vốn có. Đầu năm mới, cầm trên tay phong bao lì xì đỏ may mắn, một cháu bé bóc ra ngay trước mặt người chú vừa mừng tuổi rồi buông một câu nói thật hững hờ: “Có mỗi 10 nghìn”. Lì xì đâu phải là những giá trị hữu hình có thể đong đếm được?

Chị Hiên - một công nhân làm việc xa nhà, cả năm mới sắp xếp về quê thăm bố mẹ, họ hàng và đón Tết cùng gia đình. Niềm vui gặp gỡ người thân hiện rõ trên khuôn mặt nhưng chị cũng rất áp lực vì các cháu đang xếp hàng đợi được mừng lì xì. Chị chia sẻ: “Gần 30 đứa cháu cả nội, ngoại là một khoản không nhỏ với người làm công nhân lương ba cọc ba đồng như tôi, vì ngày Tết có rất nhiều khoản chi phí, còn phải tính toán sau Tết sao cho hợp lý. Có cháu bảo rằng cháu thích đồng xanh (tức 100 nghìn đồng), lì xì 10 nghìn hoặc 20 nghìn là chê ít. Hoặc khi mình chưa lì xì thì bố mẹ các cháu lại giục làm “thủ tục”, rằng bác đi xa về không mừng tuổi các cháu hay sao?”.

Thậm chí, không ít trường hợp lì xì còn biến tướng trở thành những cuộc vay trả của người lớn với những món quà đắt đỏ, xa xỉ, vượt khỏi ranh giới ý nghĩa cổ truyền của phong tục này.

Rõ ràng, bản thân tục lệ lì xì không có lỗi, lỗi là do con người. Bởi vậy, cần đưa phong tục lì xì trở về đúng “nguyên bản”, đẹp như nguồn gốc mà phong tục này ra đời. Thiết nghĩ, cha mẹ, người lớn cần có sự giáo dục đối với trẻ nhỏ rằng giá trị của lì xì đầu năm mới không nằm ở đồng tiền mệnh giá bao nhiêu mà ý nghĩa chính là tình cảm, tấm lòng của người tặng gửi gắm cùng những lời chúc may mắn, an lành.

Cha mẹ cũng nên giảng giải cho con tránh xa cách nhận thức sai lệch về lì xì, cụ thể là lì xì nhiều tiền thì cười còn ít tiền thì tỏ ý chê bai. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng nên dạy con cách đón nhận lì xì bằng hai tay cùng lời cảm ơn, thể hiện sự trân trọng tấm lòng của người trao tặng, tỏ lòng biết ơn khi nhận quà và thái độ không kỳ thị giàu - nghèo.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang