Gỡ rào cản để nông sản Việt Nam nâng cao giá trị

author 19:38 02/05/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, giải quyết các vướng mắc về rào cản thương mại để nông sản Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nông sản Việt Nam có mặt ở 185 quốc gia, vùng lãnh thổ

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc doanh cho biết, Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp.

Trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách đã được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP của ngành năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Ảnh: VNE 

Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Ba loại hình liên kết doanh nghiệp với hộ sản xuất

Theo ông Lê Quốc Doanh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.

Việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, Nhà nước đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó, các bộ ngành đang xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với cả thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa; đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh hiện nay, có ba hình thức liên kết của doanh nghiệp với hộ sản xuất. Đầu tiên là liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản (chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất). Ông nói, thực tế, các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn bán qua hệ thống thương lái, chỉ một phần nhỏ có liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng cung cấp đầu vào.

"Việc xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích sản xuất của cánh đồng lớn đạt hơn 579.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa trên 516.000 nghìn ha (chiếm 89,2%)", ông Lê Quốc Doanh nói.

Hình thức thứ hai là, loại hình hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà. Đây là hình thức liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ được thực hiện giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp. Các điển hình áp dụng mô hình này có thể kể đến, như Công ty cổ phần Việt Nam, DABACO, Emivest...

Ba là, loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp. Đây là hình thức khá tiên tiến và có một số doanh nghiệp như Công ty Mía đường Lam Sơn, Công ty Cao su Sơn La... đang áp dụng hình thức này; một số doanh nghiệp, như Công ty Nam Cường - tỉnh Nam Định, TH TrueMilk, Trường Hải... bắt đầu xây dựng các chuỗi liên kết khép kín theo cách thuê/mua đất của nông dân và sau đó thuê chính người đã bán/cho thuê đất làm "công nhân" sản xuất theo quy trình và tiêu thụ trực tiếp trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp này.

"Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta cũng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới, như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định...", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Ông cũng cho biết, việc cơ cấu nông nghiệp sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; cấp tỉnh và cấp địa phương), khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng...

"Phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường, có uy tín; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết các vướng mắc về rào cản thương mại để nông sản Việt Nam ngày càng tham gia sâu và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Doanh nói thêm.

Thúc đẩy liên kết chuỗi, ứng dụng số hóa vào nông nghiệp

Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: VNE 

Liên quan tới giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ đang cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề án Việt số hoá nhằm cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn (big data) của Việt Nam, trong đó có bao gồm cả mảng nông nghiệp.

"Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đóng góp dữ liệu và khai thác, sử dụng đề phục vụ tốt cho lĩnh vực này", ông nói.

Cùng đề cập đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số hoá trong nông nghiệp là tất yếu nhưng không đơn giản, "vì không chỉ liên quan đến chuỗi sản xuất khép kín mà là ứng dụng quản lý trong chuỗi thế nào?".

"Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi quan tâm đến phát triển nông nghiệp thông minh, tổ chức lại sản xuất và hình thành các liên kết theo chuỗi, trong đó có ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm", bà Thuỷ nói.

Bảo Lâm

'Doanh nghiệp tư nhân là hạt nhân phát triển của ngành nông nghiệp’Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh, cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang