Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chìa khóa giúp ĐBSH phát triển bền vững
Ưu tiên ứng dụng CNC nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Quy chế hoạt động của Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai
Khu CNC Hòa Lạc đón thêm dự án xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện
Những năm gần đây, vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm với nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây trồng có giá trị phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đóng vai trò dẫn đầu, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng quy trình CNC tạo ra chuỗi cung ứng, cho ra đời những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là chìa khoá giúp vùng ĐBSH tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC thành công như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Thái Dương, Công ty Marphavet, Công ty CP Thủy sản Trung Sơn…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp các công nghệ, số hóa kết nối Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản trị...
Đặc biệt, việc ứng dụng CNC, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá; thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, ứng dụng CNC trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hoá, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với hình thành thương hiệu, góp phần phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi mang tính bền vững đối với khu vực đồng bằng sông Hồng. Ảnh minh họa
Từ những mô hình nông nghiệp áp dụng CNC của các doanh nghiệp kể trên đã cho thấy, khoa học thực sự là chìa khóa để phát triển nông nghiệp. Để nhân rộng những mô hình này, ngoài sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước và chính quyền các cấp trong tháo gỡ khó khăn về tích tụ đất đai và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, ĐBSH là vùng nông nghiệp trọng điểm của các tỉnh phía Bắc, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi có giá trị phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản cho các vùng sản xuất nông nghiệp tại đây, nhằm đối phó với sự thiếu hụt nguồn tài nguyên tự nhiên (đất, nước), thiếu hụt nguồn lực lao động, giảm thiểu những mô hình sản xuất nhỏ, manh mún.
Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là chìa khoá giúp ĐBSH tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC cần đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng được các quy trình CNC, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, tạo ra chuỗi cung ứng đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ.
Cùng quan điểm trên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh, ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn thách thức như các mô hình ứng dụng CNC còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa giảm được nhiều ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu. Do đó, trong thời gian tới, cần phải tổ chức lại sản xuất, phát triển đa dạng tùy theo từng sản phẩm, công nghệ và đặc biệt là tăng cường sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân.
Còn Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng khẳng định, để đẩy mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp vùng ĐBSH, cần tăng cường đầu tư nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực KH&CN, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ tiếp thu và ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, nhất là kiến thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác cho rằng nên tiến hành một số nghiên cứu để đánh giá việc ứng dụng, chuyển các công nghệ cao của các nước và Việt Nam cho phù hợp với vùng; đẩy mạnh đưa KH&CN phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng CNC, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu có lợi thế của vùng và địa phương.
Bảo Bình