GS Phạm Duy Hiển nhận giải thưởng Phan Châu Trinh

author 17:36 31/03/2013

Tối 29/3 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bình - chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao Giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh lần thứ 6 năm 2012 cho những cá nhân đã có những công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc.

Giải “Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục” được trao cho bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen và ông Vũ Đức Hiếu, giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường) được trao giải “Dịch thuật”; giải “Nghiên cứu” được trao cho nhà sử học, giáo sư Lê Thành Khôi và giải "Việt Nam học” được trao cho nhà Việt Nam học người Pháp giáo sư Philippe Langlet.

Phát biểu tại biểu lễ, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh cho biết, giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ 6 năm 2012 được khởi động trong bối cảnh ngày càng được các tầng lớp xã hội quan tâm và tin cậy vì tính khoa học, giá trị nhân văn và sự công minh trong quá trình bình chọn. Theo bà Nguyễn Thị Bình, năm nay Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh hướng đến tầng lớp trẻ - những người đã mang lại cho quỹ luồng sinh khí mới.

Giáo sư Phạm Duy Hiển
Giáo sư Phạm Duy Hiển

Trẻ nhất trong số những người người nhận giải năm nay là họa sĩ Vũ Đức Hiếu, sinh năm 1977, tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 2000. Băn khoăn trước thực tế những nét độc đáo của văn hóa Mường đang đứng trên bờ vực của sự suy thoái và biến mất, ông đã có tâm huyết xây dựng một bảo tàng tư nhân riêng cho văn hóa và dân tộc Mường. Bảo tàng có những kiến trúc cơ bản của cư dân Mường, có vườn cây thuốc và nhiều phòng lưu giữ trưng bày nông cụ, đồ dệt vải, dụng cụ săn bắt, cồng chiêng…, cùng một thư viện với nhiều tài liệu nghiên cứu về dân tộc Mường và văn hóa Mường.

Tính chuyên sâu của Bảo tàng cho phép người ta hình dung cụ thể và sâu sắc một nền văn hóa bản địa, ít nhất có từ thời văn hóa Hòa Bình cách đây 10.000 năm và nền canh tác của người Mường trong nông nghiệp Việt Nam. Bảo tàng này còn có nét độc đáo: các cán bộ, nhân viên của bảo tàng cũng chính là những người Mường ở địa phương, một số sống ngay trong các nhà của bảo tàng, phục vụ bảo tàng và phục vụ cho công tác nghiên cứu. Trong một chừng nhất định, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã taọ được không chỉ một bảo tàng có tính chất sưu tập quý, mà còn là một dạng bảo tàng sống.

Trong diễn từ tại buổi lễ, họa sĩ Vũ Đức Hiếu phát biểu: “Một tộc người có lịch sử lâu dài, ít nhất từ nền Văn hóa Hòa Bình cách đây hơn 10 ngàn năm, tộc người mà qua đó người ta có thể thấy nguồn gốc của người Việt Nam hiện nay. Tộc người có trống đồng, có mo Mường, có sử thi Đẻ đất Đẻ nước nói về sự hình thành và ra đời của dân tộc, có nếp sống thanh bình, trung gian giữa các sắc tộc khác và người Việt (Kinh)... Vậy mà nguy cơ phôi phai bản sắc, bị đồng hóa hoàn toàn, mất cả những nét riêng về nhà cửa, ngôn ngữ, đang xảy ra. Một cá nhân tôi không thể ngăn chặn lại được tiến trình đó, nhưng ít nhất cũng lưu giữ được ít nhiều qua Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường”.

TS Bùi Trân Phượng là người đã có những thành quả trong việc mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo, đã đưa đại học Hoa Sen từ một trường nghiệp vụ khi mới thành lập vươn lên thành trường cao đẳng, rồi đại học. Một trong những thành tựu lớn và có ý nghĩa của bà là tập hợp được một tập thể sư phạm đa dạng trong một trường đại học ngoài công lập, nơi những tư duy mới, tiên tiến về giáo dục và về giáo dục đại học đang từng bước trở thành hiện thực sinh động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới cấp thiết và khó khăn của giáo dục nước nhà hiện nay. Bà Bùi Trân Phượng còn là một nhà khoa học với các công trình nghiên cứu về lịch sử cận hiện đại Việt Nam.

Theo bà Phượng, mơ ước của những người làm trường Hoa Sen là khởi xướng một mô hình giáo dục đoạn tuyệt với truyền thống nhà trường thoát ly thực tế, chỉ rao giảng cái mình biết, không cần quan tâm đến nhu cầu kinh tế xã hội, chỉ đơn thuần nhai lại từ chương, mà không quan tâm kỹ năng, công nghệ, hay cả sự cập nhật tri thức, chưa nói đến sáng tạo, phát minh... “Hoài bão của chúng tôi là đưa giáo dục sau phổ thông trở lại quỹ đạo bình thường của một nền giáo dục lành mạnh, hiểu theo nghĩa hòa vào dòng chảy của giáo dục thế giới, lấy chuẩn mực phổ quát để tự đánh giá mình, và bám gốc rễ từ thực tại của đất nước, góp phần giải bài toán nhân lực đủ trình độ cần thiết cho phát triển kinh tế”, TS Bùi Trân Phượng chia sẻ.

GS Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường) là dịch giả của nhiều tác phẩm triết học, khoa học xã hội và văn chương. Thời gian qua, ông đã đưa đến cho các tầng lớp độc giả Việt Nam một khối lượng tri thức vừa hết sức quan trọng, vừa mởi mẻ, cập nhật, góp phần vào sự chuyển động của tư duy xã hội, cũng là sự phát triển của đất nước. Phạm Nguyên Trường cũng là một dịch giả rất cẩn trọng trong việc chuyển ngữ, các dịch phẩm của ông chặt chẽ và trong sáng về ngôn ngữ và văn phong, cả khi đề cập đến những khái niệm mới mẻ, phức tạp trong nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu. Ông là người có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người dịch qua dịch thuật góp phần cho việc liên tục làm giàu và trong sáng ngôn ngữ dân tộc.

Còn dịch giả Chu Tiến Ánh được trao giải nhờ đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng một kho tư liệu tra cứu khổng lồ của Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam này, cũng là cho cả giới nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam. Sự nghiệp dịch thuật của Chu Tiến Ánh bao quát hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, từ sử học và lịch sử khoa học, triết học, kinh tế học, đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, cả văn học nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, điện ảnh...

GS Lê Thành Khôi là một nhà bác học bao quát nhiều lĩnh vực tri thức rộng lớn. Ông hiện là giáo sư danh dự Đại học Paris V - René Descartes và chủ tịch của Hiệp hội Tầm nhìn Thế giới. Hoạt động như một nhà tư vấn, một giáo sư thỉnh giảng tại 41 quốc gia ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Mỹ, ông đã tham gia rất nhiều cuộc hội thảo và hội nghị quốc tế, xuất bản rất nhiều bài viết và sách. Ông được trao Giải thưởng Nghiên cứu vì những cống hiến nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền văn hóa từ Đông sang Tây.

Giáo sư Philippe Langlet là tiến sĩ khoa học về Đông phương học và lịch sử Việt Nam (Doctorat d’Etat en Études orientales, histoire du VietNam). Ông nguyên là giáo sư khoa Ngôn ngữ và văn minh Đông Á tại Đại học Paris 7 Denis Diderot. Người đã có những những công trình quan trọng và sâu sắc về lịch sử Việt Nam, không chỉ góp phần giới thiệu Văn hóa và lịch sử Việt Nam ra thế giới, mà còn trực tiếp có ảnh hưởng đến đời sống khoa học ở Việt Nam.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang