Hà Giang tiêu hủy 620 đôi giày nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 14:36 30/06/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Giang vừa tiêu hủy 620 đôi giày nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Giang đã xử phạt bà Giàng Thị Hường do kinh doanh 620 đôi giày nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành họp Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính theo đúng quy định.

Trước đó trong việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 9 Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Giang đã xử phạt 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo đối với cơ sở kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như: Adidas, Louivutton, Nike.

Qua kiểm tra phát hiện 128 sản phẩm quần áo các loại là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như Adidas, Louivutton, Nike. Chủ Cửa hàng là bà Tạ Thị Bộ, sinh năm 1970 không xuất trình được giấy tờ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Qua đấu tranh làm rõ, chủ cơ sở khai nhận toàn bộ hàng hóa được bà mua trôi nổi do có giá thành rẻ và lợi nhuận cao nên mua về bán, các hàng hóa khi mua hoàn toàn không có giấy tờ, chứng từ mua bán. 

 Hà Giang tiêu hủy nhiều hàng hóa nhập lậu. Ảnh minh họa

Phân biệt giữa hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc

Hàng hóa nhập lậu gồm những hàng hóa nào?

Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng hóa nhập lậu bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là gì?

Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm: Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Mức phạt

Mức xử phạt với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Mức xử phạt với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác theo Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. 

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang