Hà Nội: Kết nối mạng lưới sản xuất, tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống

author 17:02 03/12/2021

(VietQ.vn) - Chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống giúp bảo tồn và phát triển bền vững ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống: thêu, sơn mài, điêu khắc, xương sừng, mộc... nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Ngày 3/12/2021, Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2021” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thường Tín (Hà Nội). 

Các làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín (Hà Nội) với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho, khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế. 

 
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.
 

Tham gia chương trình lần này là các làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Thường Tín như: Lược sừng Thụy Ứng, mây tre đan Ninh Sở, sơn Bình Vọng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, tiện Nhị Khê, điêu khắc Nhân Hiền... 

Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín cho biết, huyện Thường Tín được mệnh danh là đất trăm nghề, nơi có ông tổ nghề sơn (Trần Lư) và ông tổ nghề thêu (Lê Công Hành); đồng thời, còn nổi tiếng với nhiều sản phẩm làng nghề... Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía Nam kinh thành Thăng Long xưa, những sản phẩm thủ công của Thường Tín làm ra đều được bày bán ở 36 phố phường Hà Nội như hàng tiện gỗ được bán ở phố Tô Tịch, phố Hàng Trống, các hàng thêu được bán ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào... 

Các làng nghề ở huyện Thường Tín trước đây và hiện nay đã xuất hiện nhiều thợ giỏi, nhiều nghệ nhân có bàn tay vàng kiên trì cải tiến mẫu mã, sáng tạo ra sản phẩm mỹ nghệ có nét độc đáo riêng. Năm 2021, huyện Thường Tín đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới- Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín cho hay. 

Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, 2021 là năm thứ hai chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, tình hình hạn chế lưu thông hàng hóa của các nước đã dẫn đến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ bị hạn chế. Bên cạnh đó do tác động của thị trường du lịch trong nước suy giảm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng chịu ảnh hưởng do sức mua giảm sút, nhiều đơn hàng đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được khiến lượng hàng tồn kho trong nước tăng.

Các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phải giãn, hoãn tiến độ sản xuất, sản phẩm tồn kho, mất việc làm khu vực nông thôn gia tăng, làm cho đời sống nhóm lao động yếu thế trong xã hội gặp khó khăn. 

Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2021” giúp bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành nghề truyền thống phát triển bền vững và ổn định; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống: thêu, sơn mài, điêu khắc, xương sừng, mộc,... nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải. 

"Chương trình kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nhiệp sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ, quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần vực lại sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn" - ông Nguyễn Thanh Hải cho hay. 

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội và huyện Thường Tín trao giấy chứng nhận cho các nghệ nhân làng nghề 

Đặc biệt, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững; huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm; tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cộng đồng từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái sử dụng góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh. 

Thành phố Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề, đến nay, thành phố có 305 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, công nghệ lạc hậu nên việc bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra không ít cơ hội và thách thức.

Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2021” thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ;

Chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng, tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm cải thiện, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thân thiện môi trường. 

Lê Kim Liên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang