Hà Nội kiểm tra 7 cơ sở sản xuất thực phẩm, 6 cơ sở bị đình chỉ hoạt động
Kinh hoàng xưởng sản xuất bim bim siêu bẩn ở Hà Nội có xác chuột chết, vi phạm an toàn thực phẩm
Đắk Lắk tiếp tục xử phạt 2 sở sản xuất giá đỗ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
FDA hướng dẫn hạn chế lượng chì trong thực phẩm dinh dưỡng chế biến cho trẻ em
Ông Trần Việt Dũng - Trưởng phòng Công tác thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của thành phố đã kiểm tra 7 cơ sở. Trong đó, 6 cơ sở đều không đảm bảo ATTP và bị tạm dừng hoạt động để khắc phục lỗi vi phạm. Duy nhất có cơ sở sản xuất giò chả tại quận Bắc Từ Liêm không bị tạm dừng hoạt động, vi phạm chưa đến mức nghiêm trọng.
Điển hình ngày 8/1, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1, Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giò chả của hộ kinh doanh Hùng Mai tại số 17, ngõ 211 đường Thượng Cát, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP của 2 lao động. Cơ sở chưa xuất trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia để sản xuất thực phẩm.
Ngoài ra, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu sơ chế, chế biến, đóng gói… Khu vực ô thoáng không có trang thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại; cửa ra vào khu vực sản xuất là cửa cuốn, không có thiết bị phòng chống bụi, côn trùng và động vật gây hại; tường khu vực sản xuất bám nhiều bụi bẩn.
Hà Nội liên tiếp phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm. (Ảnh: Thanh Hiếu)
Làm việc với Đoàn kiểm tra, cơ sở báo cáo có sử dụng phụ gia thực phẩm SuperBind K70 để sản xuất giò chả. Tuy nhiên, trên nhãn sản phẩm không liệt kê phụ gia thực phẩm trong thành phần. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở khắc phục ngay tồn tại nêu trên. Đoàn cũng giao Ban chỉ đạo Công tác ATTP quận Bắc Từ Liêm giám sát việc khắc phục của cơ sở, xử lý vi phạm và báo cáo kết quả về Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 trước ngày 15/1/2025.
Theo UBND quận Bắc Từ Liêm, trên địa bàn quận có 4.253 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quận đã thành lập 15 đoàn kiểm tra về ATTP, tiến hành kiểm tra, giám sát 150 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, các đoàn liên ngành xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở.
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở và phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về ATTP tại huyện Hoài Đức như: Cơ sở sản xuất bim bim của Cty Cổ phần Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh; Cơ sở sản xuất kẹo, bánh quy của Cty cổ phần công nghiệp thực phẩm An Đông; cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh số 11 phố Hàng Than, quận Ba Đình…
Đoàn liên ngành đã yêu cầu các cơ sở trên tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm. Đồng thời, giao Ban công tác ATTP các quận, huyện tiếp tục giám sát, xử lý.
Qua kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Thương mại và Công nghiệp thực phẩm Đức Vinh, khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, không theo quy tắc 1 chiều; không phân khu riêng biệt; không khép kín. Các loại bim bim được đổ xuống sàn đất két bẩn dầu mỡ, công nhân dùng tay không bốc sản phẩm đóng gói.
Tại phòng pha chế phụ gia, sản phẩm hết sức bẩn, có xác chuột chết và bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, đội ngũ công nhân ở đây đều không được trang bị thiết bị bảo hộ chuyên dụng để làm việc; công ty cũng không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc một số loại phụ gia, nguyên liệu.
Tại cuộc làm việc với huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã nêu rõ, quan điểm của thành phố là tăng cường kiểm tra và tập trung kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như huyện Hoài Đức.
Đối với những cơ sở qua kiểm tra phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức phải xử phạt, đồng thời yêu cầu cơ sở khắc phục tất cả nội dung đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Sau đó, đoàn kiểm tra báo cáo về Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố. Cơ quan chức năng của huyện phải giám sát, theo đến cùng việc khắc phục sai phạm của cơ sở và Thành phố sẽ tái kiểm tra để xem xét kết quả khắc phục.
Theo bà Vũ Thu Hà, để thực hiện tốt hơn công tác quản lý an toàn thực phẩm, cần xử lý vi phạm nghiêm túc, công khai, không được bao che, để các cơ sở phải nhận thức ra sai phạm và sửa sai.
An Dương