Hà Nội: Nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trên không gian mạng

author 15:44 26/04/2023

(VietQ.vn) - Sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã khiến cho việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, cần thiết phải nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trên không gian mạng.

Ngày 26/4/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tập huấn “Kỹ năng tiếp nhận và tư vấn khiếu nại cho người tiêu dùng” và “Một số điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi” cho người tiêu dùng.

Hội nghị do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Ủy ban cạnh tranh quốc gia, UBND quận Bắc Từ Liêm và Hội phụ nữ quận Bắc Từ Liêm tổ chức.

Tại Hội nghị, ông Lê Nguyên- Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Tổng hợp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn xã hội.

Xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội…của Thành phố tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.

 Ông Lê Nguyên- Sở Công Thương Hà Nội: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội

Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; nhiều quy định pháp luật, hình thức kinh doanh và xu hướng tiêu dùng mới đã xuất hiện, tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn... Các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng không chỉ dừng lại đối với nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn mở rộng sang đối với nền tảng trung gian trực tuyến. Người tiêu dùng đặc biệt là người tiêu dùng dễ bị tổn thương sẽ được bảo đảm quyền lợi nhiều hơn, không bị giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng (quấy rối)- ông Lê Nguyên cho hay.

Tại hội nghị, TS. Đoàn Quang Đông đại diện Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương đã giới thiệu đến các đại biểu “Kỹ năng tiếp nhận và tư vấn khiếu nại cho người tiêu dùng” và “Một số điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi”.

Chia sẻ về những chiêu thức lừa đảo, ông Đoàn Quang Đông thông tin, các đối tượng lừa đảo thường quấy rối thông qua gọi điện giới thiệu dịch vụ, nhắn tin rác; giả danh cơ quan chức năng như: tòa án, công an, viện kiểm soát để tống tiền; yêu cầu nộp khoản tiền do vi phạm giao thông, hoặc con, cháu vị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện; Thông báo trúng thưởng các chương trình quay số ngẫu nhiên…

Ngoài ra còn có Lừa đảo thông qua cho vay tín dụng. Theo đó, bên công ty tài chính liên tục gọi điện, quấy rối làm phiền, đòi nợ, nhắn tin đe dọa; Công ty tín dụng tiêu dùng tổng đài tự động dùng nhiều số khác nhau gọi điện đến số điện thoại của người tiêu dùng với nội dung: Gạ gẫm cho Vay tiền. Tần suất gọi 2-3 cuộc trên ngày bất kể giờ giấc. Làm ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của người tiêu dùng; Vay đã trả xong 1 năm rưỡi giờ bên công ty tài chính đt lại nói còn nợ và bắt trả nợ bằng cách đt quâý rối cơ quan; người tiêu dùng bị làm giả chứng minh nhân dân mở tài khoản ngân hàng…

Ông Đoàn Quang Đông- Ủy ban Cạnh tranh quốc gia: NTD cần cảnh giác, không nghe các cuộc điện thoại lạ, các đầu số nước ngoài

Ông Đông lưu ý, người tiêu dùng cần cảnh giác, không nghe các cuộc điện thoại lạ đặc biệt các đầu số nước ngoài, quốc tế; Không tin các cuộc điện thoại hăm dọa, nhân danh cơ quan quản lý nhà nước, công an, tòa án; Không nghe theo các lời chào mời, giới thiệu là trúng giải thưởng a, b, c trong khi thực tế mình không tiến hành giao dịch

Trong các trường hợp có thông tin liên quan đến yêu cầu nộp tiền, khắc phục lỗi do dịch vụ điện nước, bưu chinh viễn thông, ngân hàng hãy vào trực tiếp website của các đơn vị này xác minh thông tin qua điện thoại đường dây nóng…

Ồng Đông cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần cẩn trọng trước các lời chào mời không cần vốn, không cần đặt cọc sẵn sàng kinh doanh online với lương, thưởng lớn; Cẩn thận trước các hình thức bán hàng hóa dịch vụ đa cấp biến tướng; Thận trọng trước các chiêu trò lừa xuyên biên giới như kết bạn đời; Trong mọi trường hợp có thể tham vấn tổng đài 1800- 6838

Đặc biệt, ông Đông cũng lưu ý người tiêu dùng trong quá trình đòi quyền lợi của mình, thì “Yêu cầu khiếu nại nên phù hợp với giá trị giao dịch”; nộp Đơn yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại trên Hệ thống tiếp nhận trực tuyến của Cục CT&BVNTD tại địa chỉ http://khieunai.bvntd.gov.vn. Như vậy, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng được tiếp nhận và tự động nhập mới vào Hệ thống với mã vụ việc được khởi tạo tự động.

Đánh giá cao hiệu quả của Hội nghị tập huấn, Chủ tịch Hội phụ nữ quận Bắc Từ Liêm khẳng định, hội nghị đã truyền tải được đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang