Hà Nội: Thu giữ hơn 100 tấn sách giả

author 15:53 10/07/2023

(VietQ.vn) - Công an Hà Nội mới đây đã vào cuộc và khởi tố 3 bị can về tội sản xuất, buôn bán sách giả.

Theo đó, cơ quan ANĐT đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ và các đơn vị nghiệp vụ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát phát hiện tại nhiều địa điểm khác nhau thuộc địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất có hoạt động sản xuất, tàng trữ, phát hành nhiều xuất bản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không có hợp đồng in, sản xuất.

Sau khi xác định có đầy đủ căn cứ cơ sở hành vi phạm tội của các đối tượng, Phòng An ninh Điều tra phối hợp với các đơn vị đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp 8 địa điểm và tạm giữ 3 đối tượng là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1993, trú KĐT Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội), Phan Thành Long (SN 1999, trú xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) và Đinh Văn Thịnh (SN 1993, trú xã Ngọc Liệp, Quốc oai, Hà Nội) để phục vụ công tác điều tra về tội sản xuất, buôn bán hàng giả - quy định tại Điều 192 – Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, Công an Hà Nội thu giữ hơn 100 tấn sách với gần 400 đầu sách, tương đương 400.000 cuốn; nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất, buôn bán sách giả. 

 Số lượng sách giả, sách nhập lậu bị thu giữ

Vụ án đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra.

Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giả vẫn sống được trên thị trường do lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu, giả mang lại là quá lớn. Do không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế; chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện xuất bản phẩm thấp... nên xuất bản phẩm lậu, giả có giá thành rất thấp, các đối tượng in, phát hành xuất bản phẩm lậu, giả có thể bán với chiết khấu cao so với giá bìa để thu hút người mua.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng in lậu, làm giả sách giáo khoa chưa bị đẩy lùi, đó là do các chế tài và mức phạt đối với hành vi này chưa thực sự đủ răn đe trong khi lợi nhuận mà các cơ sở in sách lậu thu được là rất lớn. Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng in lậu, làm giả các ấn phẩm giáo dục. Đồng thời, các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động in sách giáo khoa để sớm lập lại trật tự trong lĩnh vực in ấn các loại sách giáo khoa, phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục - đào tạo.

Thực tế những quy định của pháp luật hiện hành được thể hiện trong Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành đã đảm bảo tương đối chặt chẽ trong việc quản lý các cơ sở in. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ in cũng như thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, giao nhận hàng hóa nên các đối tượng in – phát hành sách lậu đã dùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức hoạt động in lậu, phát hành sách lậu một cách chặt chẽ, kín đáo nhằm tránh sự kiểm tra, phát giác của các cơ quan chức năng.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang