Hà Nội: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tập thể khu công nghiệp phát hiện nhiều sai phạm

author 06:39 08/12/2023

(VietQ.vn) -Mới đây đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của Hà Nội đã tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tập thể khu công nghiệp vẫn phát hiện nhiều vi phạm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể một số khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo đó, tổng số 96 bếp ăn tập thể đã được kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gồm: 60 bếp ăn trong Khu công nghiệp; 36 bếp ăn ở các cụm công nghiệp; 30 cơ sở cung cấp thực phẩm.

Theo kết quả kiểm tra giám sát, tình trạng vi phạm đã giảm so với những năm gần đây, song vẫn còn. Cụ thể, về hồ sơ pháp lý thủ tục, có 52/60 bếp ăn tập thể xuất trình sổ kiểm thực 3 bước, còn 8 bếp ăn tập thể chưa đúng quy định.

Về lưu mẫu thức ăn, 58/60 cơ sở lưu mẫu thức ăn đúng quy định; còn lại 2/60 cơ sở không đúng quy định, không niêm phong mẫu, lượng mẫu lưu chưa đủ theo quy định.

Về bố chí khu vực chế biến, có 51/60 cơ sở (chiếm 85,5%) đã bố trí khu vực chế biến riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín, phù hợp với công năng phục vụ. 15% số bếp ăn tập thể còn lại chưa đạt, một số bếp tường, nền bong tróc, vỡ, ẩm mốc.. Hay về trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng, qua kiểm tra vẫn còn 3/60 cơ sở không đạt (tỷ lệ 5%).

Vẫn còn sai phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp. Ảnh: ANTĐ

Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); tức còn 13,5% số mẫu không đạt. Lấy mẫu xét nghiệm tại Labo 110 mẫu, kết quả có 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).

Cũng qua kiểm tra truy xuất nguồn gốc tại 29 nhà cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, vẫn còn một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể khu công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở, với số tiền phạt là 132 triệu đồng. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, công tác an toàn thực phẩm là vấn đề trọng tâm không chỉ của một mình ngành Y tế mà còn là sự phối hợp liên ngành và của toàn thể các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe con người mà còn góp phần tích cực vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội.

Để đạt được một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm là kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

Đồng thời, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng giao Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức ATTP cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, sự minh bạch về nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc người sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ lấy người dân làm trung tâm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người kiến tạo ra luật, quy định chung, các bên liên quan ứng xử theo luật đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính bản thân người tiêu dùng phải là những "người tiêu dùng thông thái", họ sẽ vừa là người thụ hưởng và vừa là người kiểm tra giám sát chất lượng an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng gặp không ít thách thức. Đặc biệt là trong tư duy của chủ cơ sở đối với vấn đề đổi mới sản xuất, kinh doanh, vẫn còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi lối đi truyền thống trong thời gian dài, do đó chưa đánh giá được lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh thực phẩm... Do đó, để làm được việc này rất cần sự chung tay, tích cực hưởng ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác tự quản lý an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo phân cấp. Đặc biệt, tổ chức các đoàn giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể với mục tiêu truy xuất tận gốc nơi nuôi trồng, giết mổ, thu hái, đánh bắt…

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc thực phẩm, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến, đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP tại bếp ăn tập thể. Trong đó, cần tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người, chú trọng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang