Hà Nội xử lý 2.626 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11/2023

author 17:23 29/11/2023

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 TP. Hà Nội thông tin, trong tháng 11/2023 lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã thanh, kiểm tra 2.925 vụ, xử lý 2.626 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

BCĐ 389 TP Hà Nội thông tin, trong tháng 11/2023 tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội còn nhiều diễn biến phức tạp. Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại.

Nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, trong tháng 11/2023 lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thanh, kiểm tra 2.925 vụ, xử lý 2.626 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 361,318 tỷ đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử...

Trong đó Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 547 vụ, xử lý hành chính 510 vụ. Xử phạt hành chính 6,81 tỷ đồng,trị giá hàng vi phạm 6,784 tỷ đồng. Công an TP kiểm tra 94 vụ, xử lý 99 vụ, phạt hành chính 1,856 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 4,398 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ, với 5 đối tượng. Cục Hải quan TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 112 vụ. Xử phạt hành chính 3,2 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 5,7 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 41,4 tỷ đồng.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Kinhtedothi

Theo lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, chào bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, rồi gửi qua dịch vụ bưu chính chuyển phát, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra.

Đối với lĩnh vực gian lận thương mại, vi phạm chủ yếu là hàng hóa không ghi nhãn theo quy định, hàng hóa nhập khẩu, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; Không niêm yết giá hàng hóa, cơ sở kinh doanh hàng hóa không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh không đúng địa điểm...

Vụ việc điển hình mới đây nhất, vào ngày 22 và 23/11/2023, sau quá trình nắm bắt lĩnh vực gian lận thương mại về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu SKF để giám định hàng hóa giả mạo tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sau:

Cơ sở kinh doanh thuộc thuộc Công ty TNHH thương mại Trường Thành Việt Nam có địa chỉ tại Số 21 Liền kề 15, Khu đô thị Văn Phú, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội và Số 04 BT2, Khu đô thị Văn Phú, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra Cơ sở kinh doanh sử dụng các website thương mại điện tử “https://vongbitruongthanh.vn” và “https://vongbitruongthanh.com” để hoạt động thương mại điện tử, không đầy đủ trên website thương mại điện tử thông tin chủ sở hữu website và thông tin về hàng hóa theo quy định; Cung cấp thông tin về sản phẩm có nhãn SKF là hàng giả trên môi trường internet cụ thể thông tin và hình ảnh các sản phẩm giả nhãn hiệu SKF trên website thương mại điện tử bán hàng có tên miền: https://vongbitruongthanh.com. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 3.234 sản phẩm vòng bi các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SKF đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH thiết bị công nghiệp Lâm Đại Phát có địa chỉ tại Số 2 ngách 12, Ngõ 858 Kim Giang, Xã Thanh Liệt, Huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra Cơ sở kinh doanh sử dụng website thương mại điện tử“https:// vongbilamdaiphat.com” đã công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử thông tin chủ sở hữu website theo quy định. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 796 sản phẩm vòng bi các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu SKF đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đại diện theo pháp luật của các Công ty trên đã thừa nhận các hành vi vi phạm. Để đảm bảo xử lý vụ việc đúng quy định của pháp luật, Đội QLTT số 1 đã yêu cầu đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu SKF đang được bảo hộ trả lời xác nhận hàng giả và các hành vi liên quan bằng văn bản.

Liên quan tới công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại lực lượng chức năng TP. Hà Nội cho biết, sau 3 năm triển khai Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ vi phạm quy mô lớn.

Cụ thể, trong 3 năm (từ 10/10/2020 - 10/10/2023), các lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 6.564 vụ lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Qua đó, phạt hành chính, truy thu thuế là 753 tỷ đồng. Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 988 vụ liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, xử phạt hành chính, 13,313 tỷ đồng, bắt giữ lượng hàng vi phạm trị giá 25, 518 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh TMĐT là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia hoạt động thương mại điện tử vẫn còn thấp.

Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp gian lận cũng gặp khó khi các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, hoặc địa chỉ không đúng gây khó khăn cho việc kiểm tra. Bên cạnh đó phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... các giao dịch, thanh toán trên mạng đều bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh gây khó cho quá trình phát hiện, kiểm tra, xử lý. Điều này dẫn đến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xác định tính chất, quy mô, địa chỉ và hàng hóa vi phạm.

Để khắc phục những bất cập này, BCĐ 389 TP. Hà Nội kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử. Theo đó, cần có cơ chế hướng dẫn, quản lý các mạng xã hội, bổ sung hệ thống tra cứu dễ dàng (cách nhận biết đăng ký/thông báo theo quy định …); tăng tính chịu trách nhiệm của chủ kênh/tài khoản trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, lợi dụng mạng xã hội để hoạt động kinh doanh trái quy định pháp luật.

Từ nay đến hết năm 2023 lực lượng chức năng TP. Hà Nội đồng loạt triển khai Kế hoạch số 57/KH-BCĐ389/TP của BCĐ 389 TP. Hà Nội về kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn Hà Nội. Trong đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Đặc biệt chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa và các tuyến đường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình...

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại giữa các lực lượng chức năng. Trong đó chú trọng tới những thông tin về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang