Hà Tĩnh: Xử phạt 658 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

author 17:08 04/01/2024

(VietQ.vn) - Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, trong năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra 3.422 cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 658 cơ sở.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh, năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập 776 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm (trong đó, tuyến tỉnh 23 đoàn, tuyến huyện 91 đoàn, tuyến xã 662 đoàn), đã kiểm tra 13.422 cơ sở.

Qua kiểm tra phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 658 cơ sở với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm... Lực lượng chức năng cũng tịch thu, tiêu hủy hơn 23.000kg thực phẩm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhiều hàng hóa vi phạm khác.

Kết quả công tác kiểm tra cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và có ý nghĩa răn đe rất lớn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn đã đi vào nền nếp, chú trọng hơn đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Ngành Y tế Hà Tĩnh xử lý hơn 600 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm trong năm 2023. Ảnh: Nhật Thắng

Ngoài ra, các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương và các địa phương cũng đã tiến hành lấy 4.427 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng, nguyên liệu chế biến thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả có 4.359 mẫu thực phẩm đạt các chỉ tiêu xét nghiệm, chiếm tỷ lệ 98,5%. Các chỉ tiêu không đạt chủ yếu là độ sạch bát đĩa, độ ôi khét trong dầu mỡ chiên rán...

Theo đánh giá, việc kiểm tra tại các cơ sở được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp, hạn chế chồng chéo trong thực hiện. Công tác giám sát phát hiện nguy cơ được duy trì, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Liên quan tới hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ngày 04/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. 

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang