Hải Dương thu giữ lượng lớn tất chân giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

author 18:52 09/06/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương vừa phát hiện và thu giữ nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh N.V.T có địa chỉ tại thôn Hòa Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Qua kiểm tra phát hiện tại cửa hàng của Hộ kinh doanh đang bày bán 1.060 đôi tất chân người lớn mang nhãn hiệu “adidas và hình” có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

 Lượng lớn tất giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Hải Dương

Tại thời điểm kiểm tra chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp liên quan đến số hàng hóa nêu trên. Qua đấu tranh bước đầu, chủ hộ kinh doanh đã thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo đã bị tạm giữ để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

Cũng trong công tác đấu tranh và phòng chống ngăn chặn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt đối với Hộ kinh doanh N.T.T do bà NTT làm chủ tại Vũ Hựu, Hải Dương với số tiền 25 triệu đồng; đồng thời tịch thu 266 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc gồm: Mặt nạ tế bào gốc Suzhou; xà phòng muối biển; Kem chống nắng Innisfree; dưỡng da tay Lao zhuan; kem dưỡng da tay Vitamin E; dầu gội đầu Weilaiya; sữa tắm Method Body; sữa rửa mặt Hebeheba; xịt chống nắng Sivanna Colors; kem dưỡng da tay Vaseline không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.

Hành vi buôn bán mỹ phẩm giả và không rõ nguồn gốc được quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

Điều 9. Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng: Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;

Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.”

Đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, pháp luật quy định hình thức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và xuất trình hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, sử dụng… hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm đó. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang