Hầm đường bộ Đèo Cả: Thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, chịu được động đất cấp 7

author 12:37 21/08/2017

(VietQ.vn) - Tuyến hầm đường bộ Đèo Cả vừa thông xe được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc và có thể chịu được động đất cấp 7.

Sáng nay (21/8), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức thông xe toàn tuyến hầm đường bộ Đèo Cả. Đây là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam. Việc đưa hầm vào vận hành khai thác sẽ rút ngắn thời gian qua đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút.

Trước đó, ngày 15/8, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, sau khi kiểm tra công trình, đã đánh giá hầm đường bộ Đèo Cả đủ điều kiện để đưa vào khai thác, sử dụng.

 Hầm đường bộ Đèo Cả chính thức thông xe từ hôm nay (21/8). Ảnh: Zing

 Dự án hầm đường bộ Đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu dự án tại Km1353+150 QL1A trên địa bàn tỉnh Phú Yên, điểm cuối dự án tại Km1374+525 QL1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Dự án do Công ty Cổ phần Đèo Cả làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài dự án 13,19km, trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m.

Hai hạng mục chính của dự án là hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã có quy mô và trang thiết bị vận hành hiện đại nhất trong các hầm đường bộ trên Quốc lộ 1 hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe khai thác cùng chiều đảm bảo vận tốc khai thác 80 km/h.

Đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Việc đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác sử dụng giúp rút ngắn thời gian qua đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút.

Hầm đường bộ Đèo Cả sẽ trực tiếp tạo điều kiện để kết nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo thuận lợi về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và cả nước. Khi lưu thông qua khu vực Đèo Cả, người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm (mất phí) hoặc đi qua đường đèo không mất phí.

Theo chủ đầu tư Dự án, việc thu phí hoàn vốn cho dự án được thực hiện từ ngày 3/9/2017 trên cơ sở hợp đồng dự án và quy định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Hầm Đèo Cả dài hơn 4 km, gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30 m được thiết kế 2 lần xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80 km/h và có thể chịu đựng được động đất cấp 7.

 Ngoài hệ thống chiếu sáng, camera quan sát, hầm đường bộ Đèo Cả còn có hệ thống giám sát chất lượng không khí. Ảnh: VNE

Hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã được trang bị hệ thống thiết bị đảm bảo duy trì việc vận hành hầm an toàn và liên tục. Hệ thống thiết bị chính gồm thông gió bằng quạt phản lực, chiếu sáng bằng đèn LED, hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, hệ thống thông báo thông tin trong hầm có thể thay đổi nội dung, hệ thống giám sát chất lượng không khí trong hầm.

Khi hoạt động, hầm đèo Cả được duy trì công tác vận hành, cứu hộ, chữa cháy 3 ca liên tục bởi hơn 230 cán bộ công nhân viên. Mọi sự cố đều được kiểm soát đảm bảo không phải dừng khai thác hầm.

Các loại phương tiện như xe đạp, xe thô sơ, xe máy, xe chở chất dễ cháy nổ độc hại, xe chở gia súc, gia cầm sống bị cấm đi qua hầm, thay vào đó phải di chuyển qua đường đèo.

 Một số hình ảnh về hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam. Nguồn ảnh: Zing, VNE

 

 

 

 

 

 

Phong Lâm (T/h)

Cảnh báo giao thông: Hiểm nguy rình rầm trong hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam (VietQ.vn) - Là một trong những hầm cơ giới hiện đại nhất Việt Nam nhưng hầm giao thông cơ giới nút giao Kim Liên lại thường xuyên xảy ra những tai nạn giao thông vô cùng nghiêm trọng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang