Hàng chục tấn nhãn xuất khẩu thành công: Tiếp tục tìm kiếm cơ hội đưa nhãn Việt ra thế giới

author 11:12 10/08/2020

(VietQ.vn) - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tiếp tục tìm kiếm cơ hội đưa quả nhãn Việt ra thế giới, sau khi hàng chục tấn nhãn tươi xuất khẩu thành công sang Úc và Trung Quốc.

Vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 16 tấn nhãn tươi mùa vụ 2020 sang Úc và 30 tấn sang Trung Quốc. Đây là tín hiệu khả quan đối với thị trường nông sản nước nhà, đặc biệt thời điểm hiện tại là mùa vụ nhãn và chất lượng của loại quả này đang ngày được nâng cao.

 Ảnh minh họa

Để tiếp nối thành công đó, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến vào ngày 13/8 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng cường tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn ra thị trường quốc tế.

Căn cứ trên nhu cầu giao thương của các doanh nghiệp Việt Nam, ban tổ chức sẽ mời các nhà nhập khẩu nước ngoài từ những thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam và các doanh nghiệp thu mua nhãn trong nước tham gia vào các phiên giao thương và trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà vườn cung cấp nhãn Việt Nam.

Úc mở cửa cho nhãn tươi Việt Nam từ năm 2019, nguồn hàng chủ yếu được nhập từ vùng nguyên liệu phía Nam. Tuy nhiên, năm nay các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng hơn vào thị trường miền Bắc với nhiều ưu điểm.

Cụ thể, nhãn Sơn La, Hưng Yên có chất lượng cao và hình thức đẹp. Quả nhãn to, màu vàng nâu sáng, cùi dày, thơm, ngon, ngọt, …., được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Nhãn quả sản xuất tại các địa phương trên đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận như: “Nhãn Sông Mã”; “Nhãn lồng Hưng Yên”. Thương hiệu Nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua” …

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nhãn, định hướng sản xuất an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Sơn La và Hưng Yên đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, ứng dụng phân bón công nghệ Nano Bạc, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), duy trì các chuỗi sản xuất quả an toàn, ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP;, ….

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là khách hàng tiềm năng với nhu cầu tiêu thụ nông sản cao. Nhãn Sơn La và nhãn Sông Mã đều đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nước bạn, đây là 2 loại nhãn trọng điểm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Ngoài nhãn tươi, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm khác từ nhãn như nhãn sấy, long nhãn để đưa vào các cửa hàng, siêu thị nhằm đa dạng hóa sản phẩm.

Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những ưu thế sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu, phát triển nền kinh tế nước nhà.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang