Hàng giả, không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan ven các khu công nghiệp tại Bắc Giang

author 06:09 02/11/2023

(VietQ.vn) - Ghi nhận trên địa bàn ven các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Giang nhiều tiểu thương đã đưa hàng giả, hàng kém chất lượng đến bán tràn lan.

Đủ loại hàng hóa giả mạo, kém chất lượng bán tràn lan tại ven KCN

Hằng ngày, vào thời điểm hết giờ làm việc (khoảng từ 16-20 giờ), dọc tuyến đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) thường có hàng chục xe máy, xe tải (loại từ 0,5-1 tấn) chở hàng đến bày bán ven hai bên đường. Hàng hóa bày bán rất phong phú, với hàng trăm sản phẩm quần, áo, giày dép, túi xách, kính, phụ kiện điện thoại, chăn, đệm, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em…

Đáng chú ý, trong số quần áo, giày dép bày bán tại đây có nhiều sản phẩm mang nhãn, mác của những thương hiệu thời trang nổi tiếng như: NY, LV, Adidas, Gucci, Nike, Lacoste… nhưng lại có giá đồng hạng và chỉ bằng 1/10 giá của các sản phẩm chính hãng. Nhiều quần, áo nhãn mác ghi bằng chữ nước ngoài nhưng không đề nơi sản xuất.

 Hàng hóa bán tràn lan tại KCN. Ảnh: Báo Bắc Giang

Không ít sản phẩm nhãn, mác phụ (in trên giấy cứng) ghi “Made in Vietnam” nhưng nhãn mác (được in trên nền vải) gắn với sản phẩm lại ghi toàn chữ nước ngoài nhằm đánh lừa thị hiếu người mua. Có đôi giày mới, được bọc trong túi ni lông nhưng đã bục đế, chất lượng rất kém.

Tình trạng hàng giả, nhái nhãn mác, không rõ xuất xứ bày bán công khai cũng diễn ra tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên); thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng); địa phận xã Song Khê (đoạn quốc lộ 17, gần KCN Song Khê - Nội Hoàng, TP Bắc Giang). Các quầy hàng thời trang ở tổ dân phố My Điền 2 còn bày bán từ sáng cho đến tối khuya.

Chủ của những hàng hóa nêu trên là người ở các huyện khác như: Lục Nam, Lạng Giang và các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên… Nhiều chủ hàng cho biết đã mang sản phẩm đến bày bán ở địa bàn ven các KCN của Bắc Giang nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc hàng hóa, những người này chỉ nói chung chung là nhập từ Trung Quốc và các tỉnh bạn về đây tiêu thụ.

Nói về tình trạng bày bán hàng giả, không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý, ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu lý giải: "Cấp xã chỉ cố gắng bảo đảm việc bày bán hàng hóa không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông, còn việc kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái là do ngành chức năng đảm nhiệm".

Tác hại của hàng giả

Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hàng giả tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng giả còn gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội.

Đối với người tiêu dùng việc mua và sử dụng hàng giả làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, nhất là các sản phẩm như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả. Đối với doanh nghiệp hàng giả làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín của doanh nghiệp; gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các loại giấy tờ liên quan, buộc tiêu hủy hoặc loại bỏ, thu hồi yếu tố vi phạm trên hàng hóa… Ngoài ra, còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Để góp phần phối hợp cùng cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Về phía người tiêu dùng nên mua hàng tại những địa chỉ quen, tin cậy, có đăng ký kinh doanh hợp pháp, có đủ điều kiện kinh doanh. Trước khi mua hàng, cần tìm hiểu thật kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả của sản phẩm. Khi mua hàng, cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa. Nhận đầy đủ các chứng từ có liên quan đến việc mua sản phẩm như hóa đơn, phiếu bảo hành. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, có thể liên hệ với nhà sản xuất, Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Về phía doanh nghiệp cần có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình. Cung cấp thông tin về mặt hàng do công ty sản xuất, các dấu hiệu nhận biết sản phẩm. Phối hợp với các lực lượng chức năng, với cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu của mình.

Về phía cơ sở bán lẻ nên lựa chọn những cơ sở sản xuất, cung cấp hàng hóa có uy tín, quen biết và có đăng ký kinh doanh hợp pháp để nhập hàng. Xem xét kỹ các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa… Làm rõ trách nhiệm với cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa về tính pháp lý của hàng hóa trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang, hàng được làm giả rất đa dạng, trong đó có nhiều loại nhãn hàng hóa khác đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam… Thị trường hàng giả có xu hướng gia tăng trong nhiều lĩnh vực như: Quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, máy tính, túi xách, linh kiện ô tô, xe máy, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Sở dĩ hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn lưu thông được ở vùng ven các KCN là do nơi đây tập trung số lượng lớn lao động, nhiều người có thu nhập thấp. Về phía khách hàng, đa số biết không phải hàng chính hãng nhưng vẫn mua vì giá rẻ, phù hợp túi tiền.

Theo Cục QLTT tỉnh, riêng tại địa bàn TP Bắc Giang, Yên Dũng và Việt Yên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý 41 vụ buôn bán hàng giả, không rõ xuất xứ, kém chất lượng...

Tang vật thu giữ chủ yếu là hàng thời trang, may mặc, gồm hơn 3,2 nghìn sản phẩm của các hãng thời trang lớn như Adidas, Nike, Hermes; 200 phụ kiện áo chống nóng; bên cạnh đó là ba lô học sinh, đồ chơi trẻ em...

Trong số này, có 35 vụ thuộc địa bàn huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang (do Đội QLTT số 1 quản lý); 6 vụ thuộc địa bàn Việt Yên (do Đội QLTT số 2 quản lý). Đối tượng vi phạm bị lập biên bản xử lý phần lớn là có địa điểm, cửa hiệu kinh doanh cụ thể. Rõ ràng, việc xử lý các trường hợp bày bán hàng giả mạo thương hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại các tuyến đường giao thông ở các khu vực vùng ven KCN chưa được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho hay: "Tình trạng hàng giả, hàng nhái nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; làm lũng đoạn thị trường, thậm chí khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm chính hãng. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng hàng giả, kém chất lượng còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và uy tín thị trường trong tỉnh”.

Nói về trách nhiệm quản lý, ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có khu vực ven các KCN, ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: "Thời gian tới đơn vị sẽ làm tốt công tác dự báo thị trường cung - cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao, mặt hàng hay bị làm nhái, làm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Từ đó tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng giả mạo, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương nắm bắt thông tin, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang