Cần nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử

author 06:29 24/03/2025

(VietQ.vn) - Tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn không ngừng gia tăng trên kênh thương mại điện tử gây khó khăn trong công tác ngăn chặn do đó cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng với nỗ lực cao nhất.

Hàng giả gia tăng và khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, song hành với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Điển hình, trong năm 2024, riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 3.400 vụ. Trong đó hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xử lý 1.256 vụ, xử phạt vi phạm hàng chính trong năm 2024 đạt con số lớn với khoảng 1,9 triệu USD, trị giá hàng hóa tịch thu, xử lý khoảng gần 2 triệu USD.

Lực lượng chức năng phát hiện và tịch thu lượng lớn hàng giả, hàng nhái bán trên thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Từ thực tế kiểm tra, kiểm soát trên thị trường có thể thấy, hầu hết các sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm vi phạm trên thị trường chủ yếu là những dòng sản phẩm được tiêu thụ cao, như các loại thuốc chữa bệnh, các sản phẩm thuộc lĩnh vực thời trang của một số nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận, làm giảm uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá so với với hàng thật nên hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu dẫn đến phá sản hoặc phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh khác.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Dưới góc độ quản lý, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác giữa các đại diện thương hiệu, cơ quan thực thi và nền tảng thương mại điện tử để phát hiện và xử lý hàng giả nhanh chóng. Đồng thời, xem xét các thông tin hoạt động bán hàng trực tuyến là một trong những chứng cứ để kiểm tra đối tượng vi phạm. Xây dựng kênh tiếp nhận thông tin cảnh báo sớm dựa trên phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm kém chất lượng. Thực hiện các chiến lược truyền thông giúp người tiêu dùng, người bán hàng nhỏ lẻ nhận thức được về hàng giả.

Cũng liên quan tới biện pháp chống và ngăn chặn hàng giả, trước đó Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Mục tiêu chính của Đề án là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác. Do đó, trong năm 2025, đơn vị sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được của Đề án, phân tích những khó khăn vướng mắc và tiếp tục trình kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo của Đề án.

Tuy nhiên để Đề án triển khai mang lại hiệu quả cao, cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, có chế tài phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả.  Xây dựng hệ thống phần mềm dữ liệu đối với hoạt động trong thương mại điện tử nói riêng và hoạt động thương mại nói chung thông qua xác định và truy vết các sản phẩm hàng hóa, trước mắt sẽ thí điểm đối với mặt hàng sách giáo khoa.

Tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; tập trung với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, hoạt động quản lý hàng nhái, hàng giả, hàng lậu trên thương mại điện tử rất khó và cần phải có những biện pháp nghiệp vụ mới điều chỉnh theo sự phát triển của thương mại điện tử. Ngoài ra để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài có khung pháp lý, cơ chế để các bên chịu trách nhiệm, cần phải đào tạo và áp dụng các công nghệ mới để đảm bảo hàng giả hàng nhái không còn lộng hành như hiện nay. Việc đào tạo và truyền thông sẽ giúp người dùng có trách nhiệm, cẩn trọng hơn với các vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong mua sắm trên mạng.

Tất cả người tiêu dùng phải có ý thức trong việc mua bán, không nên mua hàng tại các địa chỉ không rõ xuất xứ hàng hóa, không rõ địa chỉ kinh doanh. Mua hàng phải có chứng từ, hóa đơn. Hóa đơn là thứ rất quan trọng để làm căn cứ kiến nghị, xử lý về sau nếu phát sinh vấn đề.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang