Hàng giả tung hoành vì khâu nào cũng có kẽ hở cần 'siết chặt gọng kìm' để ngăn chặn

author 20:29 19/05/2025

(VietQ.vn) - Thời gian qua, có thể ghi nhận dồn dập các cảnh báo, thông tin về phát hiện sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả…Nguyên nhân để hàng giả lộng hành là do từ khâu sản xuất, hậu kiểm cho tới nhà phân phối đều để lộ kẽ hở.

Nhiều kẽ hỡ để hàng giả lộng hành

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2025 đã có hơn 34.000 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ từ đầu năm đến nay là con số đáng chú ý. Các đối tượng đã đưa hàng giả len lỏi vào cả kênh truyền thống lẫn hiện đại, xuất hiện trong đơn thuốc và những người nổi tiếng quảng bá.

Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra phân tích, trong đó thể chế còn lạc hậu so với tình hình, thậm chí có sự buông lỏng quản lý... đã tạo kẽ hở lớn từ kiểm soát sản phẩm, quảng cáo cho đến hậu kiểm và xử lý vi phạm. Nhà sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, hậu kiểm yếu, Nhà nước chưa quản lý nổi các kênh phân phối, quảng cáo, người tiêu dùng có ít tiền khi giá cả của các sản phẩm có tên tuổi quá cao… Tất cả đều là đất sống cho hàng giả và người chịu thiệt hại đầu tiên và lớn nhất chính là người tiêu dùng.

Liên tiếp phát hiện hàng giả gây hoang mang dư luận thời gian vừa qua. Ảnh minh họa

Thực tế thời gian qua, có thể ghi nhận dồn dập các cảnh báo, thông tin về phát hiện sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả… Trước tiên phải thấy rằng hàng giả len lỏi mọi nơi và ngày càng phát triển với việc bán hàng qua mạng, hoặc thói quen người tiêu dùng muốn rẻ bất chấp, mua bán không hóa đơn chứng từ. Tác hại thì quá rõ ràng hàng giả không bảo đảm chất lượng gây hại cho người dùng, thất thu thuế, bóp chết hàng thật và những người sản xuất tử tế. Đặc biệt, làm sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả có thể coi là loại tội ác giết người hàng loạt.

Ai cũng thấy đây không phải chuyện ngày một ngày hai, mà là hậu quả tích tụ nhiều năm, thỉnh thoảng bùng phát, dậy sóng truyền thông, rồi lại tiếp tục… Chúng ta không nên chỉ dừng ở việc tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm, mà cần một giải pháp, kể cả trước mắt và lâu dài, để giải quyết vấn nạn này.

Thông tin về hàng giả, Bộ Y tế cho rằng, hàng giả luôn là vấn nạn trên thế giới, nhưng việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả có vẻ chưa đạt hiệu quả, đặc biệt ở các nước nghèo, đang phát triển. Việt Nam có đặc điểm chung là sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, làm hàng giả dễ trà trộn, tham nhũng tiếp tay cho hàng giả qua mặt cơ quan chức năng, người dân thu nhập thấp sẵn sàng tiêu thụ hàng rẻ, hàng nhập lậu trong đó càng dễ trà trộn hàng giả.

Với thực phẩm bao gói sẵn, nhất là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe (sữa bổ sung, thực phẩm chức năng) vốn đắt tiền (lợi nhuận lớn) và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dùng. Cho nên chúng luôn là mục tiêu quan trọng của cả người làm hàng giả lẫn cơ quan quản lý. Mỗi năm có hàng trăm ngàn sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn được đăng ký tự công bố hoặc công bố (đối với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe) rồi đưa ra thị trường. Tất cả đều là trên giấy tờ, đa số hồ sơ đều "vở sạch chữ đẹp".

Bên cạnh đó, việc để cho doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm thực phẩm cũng là một kẽ hở cho hàng giả có đất sống. Đã có những ý kiến cho rằng không nên cho doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà phải để cơ quan chức năng duyệt hồ sơ ngay từ đầu. Nhưng dù tự công bố hay cơ quan chức năng công bố cũng chỉ là trên giấy tờ, chất lượng sản phẩm vẫn sẽ không bảo đảm nếu không làm tốt khâu "hậu kiểm".

Muốn làm tốt hậu kiểm, cần thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra, tăng cường nguồn nhân lực, quyền hạn xử lý, chi phí kiểm định. Có những ý kiến đề nghị tăng mức xử phạt hành chính, nhưng mức phạt hiện nay cũng không phải là thấp, vấn đề là làm sao phát hiện để xử phạt.

Việc kinh doanh, phân phối sản phẩm cũng có nhiều vấn đề. Qua thông tin từ cơ quan điều tra, hàng trăm loại sữa giả ở phía Bắc hầu như được phân phối nhỏ, bán qua mạng, bán tại các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, vùng xa. Trong khi đó, nguy cơ hiện hữu rất lớn ở việc mua bán qua mạng, cùng sự lạm dụng người nổi tiếng để quảng cáo, hoặc mua bán kiểu hàng xách tay, qua giới thiệu, bán hàng đa cấp. Việc quản lý các đối tượng này không đơn giản, không dễ để bắt quả tang hay truy cứu trách nhiệm, trong khi lợi nhuận bất chính là rất lớn.

Điều đáng lưu tâm chính là ý thức mua bán của người tiêu dùng. Trong một số ít trường hợp biết giả mà vẫn mua vì hàng rẻ, bắt mắt, đa số các trường hợp bị lừa mua vì tin quảng cáo, phó mặc may rủi khi mua qua mạng… 

Cuộc chiến không khoan nhượng với "bóng ma" hàng giả

Liên quan tới hàng giả, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an) nhận định, công tác chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở không thống nhất, không liên thông nên khi xảy ra sự cố, ngộ độc thực phẩm thì vấn đề quy trách nhiệm rất khó khăn. 

Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho hay khi chuyển sang hậu kiểm, bắt buộc hành vi vi phạm và mức độ vi phạm gắn với chế tài xử lý phải song hành. 

Luật Quảng cáo hiện hành cũng chưa bắt kịp thực tiễn của môi trường số. Nhiều hình thức quảng bá sản phẩm qua TikTok, fanpage cá nhân hay livestream của người nổi tiếng chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới việc chia sẻ sai sự thật.

Muốn bảo vệ người tiêu dùng một cách thực chất, không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm, mà cần bắt đầu từ hệ thống pháp luật. Chỉ khi hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ rõ ràng và theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, niềm tin người tiêu dùng mới được khôi phục và thị trường mới thực sự được làm sạch từ gốc.

Có thể nói, với thực trạng hiện nay của thị trường, cơ sở pháp lý, cơ quan quản lý và ý thức cộng đồng thì hàng giả (nhất là sữa giả, thực phẩm chức năng giả) trước mắt vẫn là vấn nạn lớn. Việc giải quyết tận gốc là yêu cầu chính đáng của xã hội, đòi hỏi phải có thời gian, và một bộ máy quản lý đang rất cần thay đổi.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã có những phản ứng mạnh mẽ và kịp thời. Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/5 đến 15/6/2025 đã thể hiện quyết tâm cao độ của người đứng đầu Chính phủ trong việc "siết chặt gọng kìm" đối với vấn nạn này.

Đợt cao điểm này không chỉ là một chiến dịch mang tính thời điểm mà còn là một lời cảnh báo mạnh mẽ đến các đối tượng vi phạm, đồng thời thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và ổn định thị trường. Việc tập trung vào môi trường thương mại điện tử, nơi hàng giả đang có xu hướng bùng nổ, cho thấy sự nhạy bén và quyết liệt trong việc đối phó với những phương thức hoạt động ngày càng tinh vi của tội phạm.

Việc thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo là một động thái mạnh mẽ, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong cuộc chiến này. Chỉ đạo không để khoảng trống pháp lý, không vì sắp xếp tổ chức mà buông lỏng quản lý là một yêu cầu mang tính then chốt, nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang