Hãng giày Nike tiếp tục 'rót vốn' vào thị trường Việt Nam

author 06:32 09/10/2021

(VietQ.vn) - Hãng giày Mỹ xác nhận không dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam.

Vừa qua có thông tin cho rằng Nike dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) và Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cùng khẳng định hãng giày Mỹ sẽ không dịch chuyển sản xuất ra khỏi thị trường Việt Nam. 

Theo số liệu thống kê của LEFASO, 88 trong tổng số 112 nhà máy sản xuất giày thể thao Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất. Hiệp hội này cho biết, Nike có chuyển một số đơn hàng mùa vụ sang sản xuất tại các quốc gia khác, nhưng không dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam.

 Nike sẽ không dịch chuyển sản xuất ra khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Tổng Thư ký LEFASO Phan Thị Thanh Xuân cho biết, ở đây chỉ có sự dịch chuyển đơn hàng, còn các nhà máy sản xuất tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì. Theo thông lệ, tháng 8 bước vào mùa vụ sản xuất để giao hàng cuối năm. Trong tháng 8 - 9, các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất để phòng chống dịch. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng cuối năm nên không chỉ Nike mà các nhãn hàng khác phải chuyển đơn hàng. 

Theo Cục Công nghiệp, tổ chức sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu nguyên vật liệu, công nghiệp hỗ trợ đến hoàn thiện là một chuỗi khéo kín. Vấn đề tổ chức lại sản xuất ở địa phương khác, quốc gia khác là công việc rất tốn kém và lâu dài. Thông tin Nike dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam là không chính xác và đã được chính tập đoàn này xác nhận.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn nhận định, dịch chuyển sản xuất hay dịch chuyển đầu tư đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhãn hàng lớn thì không đơn giản. Việc đặt cơ sở sản xuất tại quốc gia nào cũng cần có đánh giá thấu đáo về môi trường kinh tế, môi trường chính trị cũng như những chính sách hỗ trợ của ngành. Trong thời gian tới, việc dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam cũng không phải là cái lớn. Ngược lại, trong những báo cáo, thống kê gần đây, dòng vốn FDI tại Việt Nam cho thấy họ sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam. 

Cục Công nghiệp cho biết thêm, thời điểm hiện tại, Nike cùng các nhãn hàng lớn đang chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm, mùa Noel. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại còn có thêm đơn hàng, cần tiếp tục duy trì sản xuất, giao hàng đúng hạn để đảm bảo hợp tác với đối tác quốc tế. 

Trong cùng diễn biến, thời điểm tháng 7/2021, khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 quay trở lại, S&P Global Market Intelligence cảnh báo, Nike có nguy cơ cạn kiệt giày sản xuất tại Việt Nam khi COVID-19 diễn biến xấu hơn. Cảnh báo trên được đưa ra sau khi hai nhà cung cấp của Nike là Công ty Chang Shin và Tập đoàn Pou Chen ngừng sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại phía Nam. 

Theo phân tích mới từ Panjiva, một bộ phận kinh doanh của S&P Global Market Intelligence, Việt Nam chiếm 49% tổng kim ngạch nhập khẩu đường biển của Mỹ liên quan đến Nike và các sản phẩm của Nike trong quý II/2021. Panjiva cho biết sản phẩm Nike nhập khẩu từ Việt Nam trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6 chủ yếu là giày dép, chiếm đến 82%.

Phát ngôn viên của Nike cho biết, sức khỏe và sự an toàn của nhân viên cũng như các nhà cung cấp vẫn là ưu tiên hàng đầu của công ty. Nike vẫn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để hỗ trợ họ vượt qua đại dịch. Nike mong muốn các nhà cung cấp ưu tiên sức khỏe, sinh kế của nhân viên cũng như tiếp tục tuân thủ các yêu cầu pháp lý, quy tắc ứng xử của Nike về chế độ lương, phúc lợi và phụ cấp thôi việc.

Trong cuộc họp với các chuyên gia phân tích sau báo cáo doanh thu trong tháng trước, Giám đốc tài chính Nike Matt Friend cảnh báo công ty đang đứng trước nguy cơ chuỗi cung ứng chậm trễ và chi phí gia tăng sẽ còn kéo dài trong phần lớn năm tài chính 2022. Nhu cầu từ người tiêu dùng trong nhiều trường hợp đã vượt quá nguồn cung.

Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ bị hạn chế trong việc lựa chọn các mẫu mã và rất có thể một số mặt hàng sẽ hết hàng trong những tháng tới.

Không chỉ Nike, nhiều thương hiệu khác cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung. Tháng trước, CEO Jim Weber của Brooks Running cho biết công ty đang trải qua chu kỳ giao hàng trong 80 ngày, thay vì 40 ngày so với trước kia.

Các thương hiệu thời trang như Levi Strauss và H&M cũng đang đối mặt với tình cảnh tương tự ở Bangladesh, nơi có một số trung tâm sản xuất quần áo lớn. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom lại gặp phải sự chậm trễ về nguồn cung giữa đợt giảm giá lớn nhất năm.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang