Hàng hiệu Gucci “nhái” vẫn chào bán công khai

author 12:49 13/12/2012

(VietQ.vn) - Hàng “nhái” được bán với giá “trên trời” thì mới chỉ bị cơ quan chức năng “bắt quả tang” tại cửa hàng Gucci & Milano. Thế nhưng, không ít các mặt hàng hiệu Gucci “nhái” khác vẫn xuất hiện rầm rộ trên các trang web mua sắm theo nhóm…

Ví Gucci, thắt lưng DG chỉ… 85.000 đồng

Nắm bắt được tâm lí "sính ngoại" của người tiêu dùng trong nước, nhiều trang web mua sắm theo nhóm chào bán rất nhiều các sản phẩm thời trang có thương hiệu như DG, Gucci, LV, Hermes với giá “sale” từ 50 % - 80%. Thế nhưng, mức giá “sale” cũng thuộc dạng “siêu bèo” đến mức không thể tin tưởng nổi hàng “hiệu” lại rẻ đến mức như thế… 
 
Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam, mặt hàng túi xách trên các trang web mua sắm theo nhóm như Cucre.vn, Hotdeal.vn chủ yếu có giá giao động từ 100.000 – 150.000 đồng/chiếc, “xa xỉ” nhất mới có những chiếc từ 250.000 đồng trở lên. 
 
mua sắm theo nhóm vẫn bán hàng nhái công khai
Mua sắm theo nhóm vẫn bán Gucci  nhái 
 
Mặt hàng thắt lưng cho nam nữ, ví hay clutch (một dáng ví lớn để đi dự tiệc, dạo phố) chỉ có giá từ 70.000 – 100.000 đồng. Nhưng đa số đều được quảng cáo gắn thêm những chiếc “mác” rất kêu như Ví kiểu dáng Gucci sành điệu, túi da cá sấu DG, thắt lưng da đà điểu Hermes… Trên các trang web thương mại điện tử đầy rẫy các loại quần áo có “mác” nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới với giá “siêu rẻ”. 
 
Chẳng hạn, trang hotdeal chào bán áo thun nhãn hiệu Adidas giá chỉ 76.000 đồng/cái, áo thun Lacoste 79.000 đồng/cái; thắt lưng Louis Vuitton, mắt kính Gucci, Dior… giá chỉ 69.000 - 79.000 đồng/cái. Trên runhau.vn chào bán đồng hồ Louis Vuitton giá 129.000 đồng/cái, trên cucre.vn, bán áo thể thao Adidas chính hãng 150.000 đồng/chiếc… Tuy nhiên, đại diện các hãng Lacoste, Calvin Klein, Louis Vuitton… tại Việt Nam xác nhận chỉ bán hàng chính hãng tại các cửa hàng, sản phẩm trên các web bán hàng đều là hàng giả.
 
Aó thể thao Adidas
Aó thể thao Adidas nhái bán công khai

Chị Thanh Hương, nhân viên văn phòng một công ty Bất động sản tại Hà Nội cho biết, mấy mặt hàng túi xách, ví nữ bày bán trên trang web mua sắm theo nhóm cũng chẳng khác nào hàng “nhái” ngoài chợ. Chỉ cần nhìn qua mức giá thì nhiều người cũng biết là hàng “nhái”.

 “Lấy đâu ra hàng “xịn” mà có mức giá vài chục nghìn đồng như thế lại được bày bán tràn lan, đủ mọi kiểu dáng. Thế nhưng, nhiều chị em biết hàng “fake” vẫn mua thôi. Phần vì kiểu dáng đẹp, đúng “mốt”, phần vì giá cả hợp lí chứ phân biệt đeo túi “dỏm” hay “xịn” thì chỉ có hàng đại gia, hay “sao” mới quan tâm thôi”, chị Hương phân trần.
 
Đây cũng là tâm lí chung của không ít những người tiêu dùng Việt Nam, thu nhập không cao nhưng vẫn ưa thích dùng hàng có thương hiệu “ngoại”. Chính thói quen mua sắm của người Việt đã tạo điều kiện cho hàng nhái, giả, nhập lậu tràn vào trong nước, “bóp nghẹt” những thương hiệu thời trang trong nước.
 
Nơi xuất xứ của các hàng nhái này chủ yếu là Trung Quốc với trình độ sản xuất ngày một tinh vi hơn, thậm chí ngay cả dân sành điệu cũng nhầm. Những món hàng thời trang bị làm giả nhiều nhất là áo, quần, túi xách, dây nịt giày, dép, được tuồn vào thị trường theo nhiều cách, từ đánh Quảng Châu sang, xách tay từ Hồng Kông, Thâm Quyến về…
 
Cùng bán hàng nhái, tại sao không bị phạt ? 
 
Không chỉ bày bán đồ thời trang, nhiều trang web mua sắm theo nhóm còn đăng bán khá nhiều các loại mĩ phẩm có thương hiệu như Etude, The Face Shop, L’oreal, MAC… Trong khi đó, theo thông tin từ đại diện của các công ty, đơn vị được nhượng quyền phân phối các dòng mĩ phẩm nổi tiếng trên đều khẳng định, không có chương trình “liên kết” gì với mô hình bán hàng mua sắm theo nhóm kiểu này và cũng không hề có đợt sale đến 80%.
 
 Rõ ràng, một hình thức bán hàng dỏm, hàng nhái vẫn đang tồn tại ngang nhiên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng trong khi không có cơ quan chức năng nào “sờ gáy”. 
 
Anh Đức Thọ, cựu du học sinh Việt Nam tại Birmingham (Anh) cho biết, nhiều người nước ngoài đi du lịch đến Việt Nam đều “choáng váng” vì mức độ “chịu chơi” của người Việt. Vì từ đứa trẻ nhỏ cho đến các công nhân lao đông, đám học sinh “choai choai” đều diện hàng “hiệu” từ đầu đến chân, nào là áo phông DG, quần bò Levi’s, giầy Converse, mũ Adidas, dép Nike...  Khắp các khu chợ đêm, vỉa hè đều bày bán toàn quần áo, túi xách hàng “hiệu”… 
 
Không chỉ có mặt trên các trang web bán hàng, mua sắm theo nhóm của doanh nghiệp, hàng “hiệu” kiểu này còn có mặt trên các địa chỉ web cá nhân, Facebook, tin rao vặt trên chợ “ảo”. Trong khi ở nước ngoài, những mặt hàng cao cấp như vậy chủ yếu chỉ bày bán trên trang web chính hãng hoặc các showroom, trung tâm thương mại, mua sắm lớn. …
 
“Cứ đăng tên thương hiệu thời trang lên trang web nhưng lại bán toàn hàng “nhái” như vậy cũng là vi phạm pháp luật rồi. Chẳng hiểu sao Gucci & Milano thì bị phạt nặng còn các trang web kiểu này thì không bị cơ quan hức năng “sờ gáy”. Chẳng nhẽ vì Gucci “quát” giá cao, ăn lãi lớn thì mới “đáng” bị phạt, còn các kiểu rao bán hàng nhái “cỏn con” kiểu này thì… vô tư”, anh Thọ bức xúc.
 
 
 
Huỳnh Hiểu Minh
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang