Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn 'nóng' ở nhiều địa phương

author 13:47 16/05/2023

(VietQ.vn) - Chỉ trong thời gian ngắn, Cục QLTT các tỉnh đã liên tiếp phát hiện, xử phạt nhiều vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Pleiku tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của ông T.H.A.Đ, địa chỉ tại phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 110 chai nước hoa (loại 10ml) nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đồng thời, trên sản phẩm cũng không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Theo lời khai nhận của ông Đ. số hàng hoá trên ông mua trôi nổi trên thị trường về để bán kiếm lời nên không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Qua kiểm tra, Đoàn còn phát hiện cơ sở kinh doanh của ông Đ. cũng không đăng ký kinh doanh theo quy định.

 Nước hoa không nhãn mác, không xuất xứ mua trôi nổi trên mạng về bán lại nhằm kiếm lời. 

Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, mới đây nhất, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang cũng phát hiện 8 cơ sở kinh doanh nước hoa, kem trắng da các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các trường hợp này đã bị xử phạt gần 60 triệu đồng. 

Cũng theo Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra 08 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại thị xã Cai Lậy và huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Kết quả, phát hiện các trường hợp kinh doanh gần 220 sản phẩm mỹ phẩm gồm nước hoa, kem trắng da các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá trên 50 triệu đồng. Các sản phẩm này do cơ sở mua trôi nổi trên thị trường về bán lại, không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ.

Sau khi lập biên bản vi phạm, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt tổng cộng gần 60 triệu đồng. Ngoài ra, buộc các cơ sở này tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 3 (tỉnh Tiền Giang) đã kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm thì tất cả cơ sở này đều vi phạm

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra 8 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm và tất cả cơ sở này đều vi phạm. Đây cũng là hoạt động nằm trong Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023.

Hành vi buôn bán hàng giả là mỹ phẩm, không rõ nguồn gốc được quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau: 

Đối với trường hợp vận chuyển, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, pháp luật quy định hình thức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp này, khi nhập hàng, người vận chuyển phải xuất trình hóa đơn thanh toán, bằng chứng giao dịch và hóa đơn thanh toán khi mua hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. 

Ngoài ra, hành vi kinh doanh, vận chuyển, buôn bán, sử dụng… hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ hàng vi phạm. Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang