Thái Nguyên: Thu giữ nhiều hàng giả và nhập lậu kinh doanh qua livestream

author 20:41 13/05/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên vừa kiểm tra một kho hàng, phát hiện nhiều hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên, mới đây Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Đồng Hỷ tiến hành khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính tại kho hàng do bà Trần Thị T là chủ, có địa chỉ tại xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện bà Trần Thị T cùng con gái đang thực hiện livestream quảng cáo hàng hóa, chốt đơn và đóng gói hàng hóa để bán hàng qua trang Facebook và Tiktok cá nhân của mình.

Kiểm tra tại kho hàng của bà Trần Thị T, đoàn kiểm tra phát hiện trong kho có 80 chiếc đồng hồ mang nhãn hiệu “Hermès” và “Dior” có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Ngoài ra đoàn kiểm tra còn phát hiện trong kho cất giữ gần 300 đơn vị sản phẩm hàng hóa là đồ gia dụng có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu như: ấm siêu tốc, máy xay thịt, nồi innox… một số hàng hóa đã được đóng gói theo đơn để gửi đi cho khách hàng đặt hàng trên mạng, trị giá tang vật vi phạm trên 30 triệu đồng.

Về nguồn gốc xứ hàng hóa, tại thời điểm kiểm tra bà Trần Thị T không cung cấp được bất cứ hóa đơn, giấy tờ gì chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên.

Qua đấu tranh khai thác bà Trần Thị T khai nhận, toàn bộ số hàng bà T mua của người không quen biết qua mạng xã hội mang về tập kết tại kho và thực hiện livestream quảng cáo hàng hóa, chốt đơn và đóng gói hàng hóa bán hàng theo hình thức online trên mạng xã hội để kiếm lời, do đó không có bất cứ giấy tờ, hoá đơn, chứng từ gì liên quan chứng minh tính hợp pháp của số đơn vị sản phẩm hàng hoá trên.

 Thái Nguyên phát hiện kho hàng nhập lậu rồi bán qua livestream. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Theo lực lượng chức năng, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ và những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thúc đẩy xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng xã hội, thương mại điện tử đã ảnh hưởng xấu môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.

Trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp thì hiện nay, các đối tượng có thể bán trên nhiều kênh khác nhau trên các nền tảng như: sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…, bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán.

Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các bình luận, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng... Ngoài ra, để dễ dàng kinh doanh, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm các đối tượng lại tiếp tục đổi thành tên khác. Ðáng chú ý, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Ðối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác. Cùng với đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên trang thương mại điện tử, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa môi trường kinh doanh và làm ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, vì vậy, việc ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Song để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi có các giải pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu chính là xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử theo đúng quy định pháp luật. Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Ðồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang