Hàng tấn thực phẩm bẩn bị phát hiện tại các cơ sở giết mổ, chế biến
VinFast nhận hỗ trợ từ Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng nhằm dự phòng nguồn vốn
Vai trò của thông tin kinh tế đa chiều trong bối cảnh mới: Góc nhìn từ kênh 'Kiến Thức Kinh Tế'
Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI: Sai phạm quảng cáo do phía đối tác, đại lý phân phối 'tự làm'
Tin từ Công an Thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 4 tấn lòng lợn và nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an Thành phố Biên Hòa phối hợp Công an phường Phước Tân tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến mỡ lợn tại khu phố Tân Mai (phường Phước Tân, Thành phố Biên Hòa), nơi có nhiều dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Dung (SN 1971, cư trú tại khu phố 8, phường Tân Biên) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện cơ sở này có 10 nhân công đang sơ chế và chế biến lòng lợn phế phẩm, phát tán mùi hôi thối trên nền đất. Bên cạnh đó, có 4 lò nấu mỡ đang hoạt động, chiên lòng lợn thành dầu có màu đen và mùi hôi, cùng với 2 kho đông lạnh chứa đầy nội tạng lợn có dấu hiệu hôi thối.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 800kg mỡ lợn được đựng trong các can nhựa. Bà Dung không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Dung cho biết toàn bộ số nội tạng (lòng lợn) trên được mua từ một số chợ trên địa bàn Thành phố Biên Hòa, sau đó sơ chế, chế biến và nấu mỡ, rồi đựng vào can nhựa để bán cho các công ty chế biến cám.
Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 4 tấn lòng lợn để tiêu hủy theo quy định.
Số lòng lợn sau khi được sơ chế.
Trước đó, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra tại Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Thủy, trên đường 19/5, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán hàng hóa là thực phẩm đông lạnh có số lượng tổng cộng 505 kg, cụ thể gồm: 75 kg cá nục hấp, 55 kg chả mực, 65 kg cá mối, 65 kg cá hố, 155 kg râu bạch tuộc, 90 kg ngọc kê gà. Toàn bộ số thực phẩm trên không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà Nguyễn Thanh Thủy - chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nêu trên. Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, đây là hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo quy định tại Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều này.
Thanh Hiền (t/h)