Hậu Covid, hoạt động xử lý tín dụng đối mặt nhiều thách thức

author 11:35 12/11/2022

(VietQ.vn) - Xử lý tín dụng là bộ phận không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, xu hướng suy thoái kinh tế và thất nghiệp lan rộng, cùng với nạn mạo danh công ty tài chính để thu hồi nợ, đang khiến hoạt động này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trang bị đủ kỹ năng, bản lĩnh trước thách thức

Nghiệp vụ xử lý tín dụng có vai trò đảm bảo việc thu hồi vốn cho vay của doanh nghiệp. Đối với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, cung cấp các khoản vay nhỏ, thời hạn ngắn, thì việc đảm bảo chất lượng thu hồi nợ là cực kỳ quan trọng.

Do đó, đội ngũ xử lý tín dụng đòi hỏi nhiều kỹ năng và bản lĩnh hơn bất kỳ bộ phận nào trong một tổ chức tín dụng. Có một thực tế trái ngược rằng, nhiều người nghĩ thu hồi nợ là những người không cần bằng cấp, chỉ cần tỏ thái độ bặm trợ, là “dân anh chị”, “xã hội đen”, nhưng sự thật, tại các công ty tài chính chính thống, nhân viên xử lý tín dụng phải tốt nghiệp tối thiểu từ trung cấp trở lên. Để được tuyển dụng chính thức, họ sẽ phải vượt qua các khóa đào tạo về hệ thống, quy định cho vay, các sản phẩm cũng như chính sách của công ty, kỹ năng giao tiếp và nói chuyện với khách hàng…. Tại hầu hết các công ty tài chính uy tín, quy trình đào tạo nhân viên mới đối với thu hồi nợ ở hiện trường ít nhất phải hơn một tháng.

“Sau khi được nhận, nhân viên xử lý tín dụng sẽ gặp trưởng nhóm và được hướng dẫn cụ thể về hệ thống, sản phẩm, quy trình, quy định, cách đọc báo cáo…. Sau đó, trưởng nhóm sẽ đưa ra các trường hợp xử lý tình huống để giúp các bạn hình dung công việc và không bị giảm động lực. Nhìn chung, quy trình đào tạo rất khắt khe và là quy định chung của các công ty tài chính lớn hiện nay.”,  chia sẻ từ anh P – trưởng nhóm xử lý tín dụng tại một công ty tài chính.

Đối với những nhân viên chính thức, các tổ chức tài chính liên tục mở ra những lớp đào tạo, cập nhật những chương trình, sản phẩm, chính sách, quy định cho vay mới nhất. Trong đó, có những khóa đào tạo xử lý tín dụng và đánh giá thông qua kỹ năng nói chuyện, chăm sóc khách hàng, thuyết phục trả nợ và cách xử lý những tình huống khó ra sao.

Đại diện công ty tài chính FE Credit chia sẻ về yêu cầu đối với nhân viên xử lý tín dụng của công ty: “Chúng tôi rà soát rất nghiêm ngặt quá trình làm việc của bộ phận xử lý tín dụng, tất cả các cuộc gọi đều được ghi âm, nhân viên không được sử dụng điện thoại cá nhân trong giờ làm việc. Nếu có bất kỳ sai phạm nào, nhân viên đó sẽ bị sa thải và quản lý trực tiếp cũng sẽ chịu liên đới. Nhân viên thu hồi nợ của công ty bắt buộc phải nắm các quy định về pháp luật, quy trình cho vay, sản phẩm và chính sách công ty cũng như thực địa vùng đi thu hồi nợ.”

Bên cạnh hoạt động xử lý tín dụng, đây cũng là đội ngũ tiếp xúc gần hơn tới khách hàng, kịp thời cập nhật tới khách hàng về các chính sách hỗ trợ trong quá trình thanh toán khoản vay. Tính riêng trong 2 năm dịch bệnh, tổng số tiền lãi FE CREDIT đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 223 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 150.000 khách hàng.

Khó khăn bủa vây

Là một bộ phận không thể tách rời nhưng hiện nay, hoạt động này đang gặp phải khá nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với làn sóng suy thoái toàn cầu.

Sau dịch bệnh, đời sống người dân chưa hoàn toàn hồi phục do thu nhập giảm sút, đã phải đối mặt tiếp với việc cắt giảm nhân sự đồng loạt do các nhà máy không có đơn hàng. Dẫn đến nhiều khách hàng vay tiêu dùng mất khả năng thanh toán. Thậm chí, ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức tự giác và trách nhiệm trả nợ của người dân.

Bên cạnh đó, nạn mạo danh các công ty tài chính chính thống để thu hồi nợ của các tổ chức cho vay phi pháp, tín dụng đen trá hình cũng khiến người dân hoang mang, gây nhầm lẫn và bức xúc trong dư luận. Từ đó, nhiều người vay vin vào sự việc đó để từ chối trách nhiệm trả nợ. Tất cả những nguyên nhân đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xử lý tín dụng của các công ty tài chính chính thống.

Theo nhiều tổ chức tín dụng, về lâu dài, để đảm bảo cho hiệu quả thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, đồng thời, để xã hội có cái nhìn công bằng với nghiệp vụ xử lý tín dụng, cần có các quy định riêng về hoạt động của nghề này, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân nhận biết công ty tài chính chính thống. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh đối với các hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt là đối với khoản vay không có tài sản đảm bảo, nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các bên tham gia tín dụng, vấn đề công nợ của doanh nghiệp cũng sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hơn.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang