Hệ thống chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước trên thế giới

author 06:41 26/08/2022

(VietQ.vn) - Ngoài những đặc điểm chung trong các quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, mỗi quốc gia lại có các quy định cụ thể khác nhau, đặc biệt trong hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo được tính thống nhất về các yếu tố cốt lõi về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Các quốc gia trong khối ASEAN

Ở hầu hết quốc gia trong khối ASEAN, tiêu chuẩn quốc gia chỉ do một đầu mối là cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia ban hành. Cơ quan tiêu chuẩn hoá của các nư­ớc ASEAN chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn quốc gia và đại diện trong các tổ chức quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn hoá.

Ví dụ: tại Thái Lan là Viện Tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan (TISI) thuộc Bộ Công nghiệp; tại Malaysia là Tổng cục Tiêu chuẩn Malaysia (DSM) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trư­ờng; tại Singapore là Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia (Enterprise Singapore); tại Indonesia là Cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia trực thuộc Chính phủ (BSN)…

Trong số 10 nước thuộc khối ASEAN thì 6 nước có hoạt động tiêu chuẩn hoá khá phát triển là Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Phillippines và Singapore. Các nư­ớc này đều là thành viên chính thức của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế hàng đầu (ISO, IEC, ITU), đóng góp tích cực vào hoạt động tiêu chuẩn hoá khu vực (APEC,ASEAN, PASC). Các nư­ớc này đều có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đư­ợc thiết lập và phân loại theo khung phân loại tiêu chuẩn quốc tế ICS.

Các nư­ớc này đều có chung phư­ơng hư­ớng đẩy mạnh việc chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC thành tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt là Philippines, Singapore và Malaysia có tỷ lệ chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC thành tiêu chuẩn quốc gia khá cao. Điều này đã làm cho hoạt động thư­ơng mại trở nên dễ dàng hơn, vư­ợt qua rào cản kỹ thuật của thị tr­ường khó tính. Tại các nư­ớc đang phát triển, trong đó có các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonexia, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia là các cơ quan thuộc Chính phủ.

Các nước đều có quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn. Malaysia ban hành Luật Tiêu chuẩn (Act 549), hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc gia ở Indonexia đư­ợc điều chỉnh bởi Nghị định Chính phủ số 102/2000. Luật Tiêu chuẩn của Philippines quy định về việc thành lập Cục Tiêu chuẩn (BS) trực thuộc Bộ Công Thư­ơng (DTI).

Về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, hiện nay, trong khu vực ASEAN chỉ có Indonesia là quốc gia có chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cụ thể, Cơ quan Tiêu chuẩn hóa quốc gia (BSN) với tư cách là cơ quan của Chính phủ có chức năng rà soát, xây dựng chính sách quốc gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ phát triển vĩ mô, điều phối hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia từ 2015 – 2025 đối với tất cả các bên liên quan. Với mục tiêu Chiến lược quốc gia 2015-2025, Indonesia mong muốn “Hệ thống tiêu chuẩn sẽ hỗ trợ cạnh tranh quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Indonesia xác định thực hiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm: Bảo vệ an toàn, an ninh và sức khỏe cộng đồng cũng như bảo tồn môi trường; Tăng cường niềm tin vào các sản phẩm quốc gia trên thị trường nội địa; Mở ra khả năng tiếp cận các sản phẩm quốc gia trên thị trường toàn cầu; Tạo một nền tảng cho hệ thống đổi mới quốc gia; Tăng lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia.

Các quốc gia ngoài khu vực ASEAN

Tại Liên bang Nga, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật về tiêu chuẩn hóa, Liên bang Nga đã có những b­ước chuyển đổi mạnh mẽ thông qua việc xây dựng và ban hành Luật Liên bang về Tiêu chuẩn hoá năm 1993 và sau đó 9 năm, ban hành Luật Liên bang về quy chuẩn kỹ thuật để thay thế cho Luật nêu trên song song với việc hình thành và phát triển bộ luật liên bang về tiêu chuẩn hoá.

Ngày 27/12/2002, Tổng thống Liên Bang Nga V. Putin đã ký Lệnh ban hành Luật Liên bang No 184-F3 về quy chuẩn kỹ thuật sau khi Đuma Quốc gia Nga đã thông qua ngày 15/12/2002 và Hội đồng Liên bang đã chấp nhận ngày 18/12/2002. Đến năm 2015, Nga đã ban hành Luật Tiêu chuẩn hóa mới nhằm tăng cường hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, đảm bảo phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Trung Quốc ban hành Luật Tiêu chuẩn hóa năm 2017. Trung Quốc cũng là quốc gia đạt được thành tựu lớn khi xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược tiêu chuẩn hóa ngay sau khi ra nhập WTO. Thời gian này, ngoài các mục tiêu cần đạt được, Trung Quốc xác định 4 định hướng chiến lược gồm: Xây dựng các tiêu chuẩn đại diện cho thành tựu đổi mới độc lập của Trung Quốc; Đẩy mạnh tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn hóa quốc tế, khai thác hiệu quả công nghệ mới của thế giới; Trọng tâm phát triển hệ thống tiêu chuẩn trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên liên quan, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.

Luật TC&QCKT của Việt Nam về cơ bản tương thích với pháp luật của các quốc gia trên thế giới. 

Kết quả là trong báo cáo tổng kết giai đoạn 1 thực hiện Chiến lược tiêu chuẩn hóa, có rất nhiều thành tích vượt bậc trong đó phải kể đến việc Trung Quốc có những bước tiến ngoạn mục khi đưa được hàng nghìn chuyên gia tham gia sâu vào các ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, thể thiện vị thế đáng nể và một cải tiến lớn về hình ảnh của Trung quốc. Từ 2008, Trung Quốc trở thành một trong sáu thành viên thường trực của Hội đồng ISO, ITU, IEC.

Luật Tiêu chuẩn Nhật Bản được ban hành vào năm 1949 nhằm nâng cao chất lượng và hợp lý hóa sản xuất các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu chuẩn hóa của Nhật Bản. Cụ thể, nó tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Ủy ban tiêu chuẩn công nghiệp (JISC); các tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS) và hệ thống đánh giá sự phù hợp quốc gia của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ.

Năm 2018, Nhật Bản đã ban hành Luật Tiêu chuẩn sửa đổi. Theo đó, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với lĩnh vực dịch vụ và các lĩnh vực khác phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn quốc tế; Đẩy mạnh phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (JIS) vì quá trình phát triển của các tiêu chuẩn quốc tế cũng như sự phát triển của công nghệ mới ngày càng trở nên nhanh hơn; Chủ động, tích cực đóng góp và tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế để đưa các công nghệ mới của Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường quốc tế; Tăng cường các biện pháp phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật giữa JISC và các hiệp hội, ngành sản xuất Nhật Bản.

Hàn Quốc ban hành luật khung về tiêu chuẩn quốc gia (1999); Luật Tiêu chuẩn hóa công nghiệp (1961). Theo đó, Luật khung về tiêu chuẩn quốc gia đưa ra các quy định chung về tiêu chuẩn quốc gia như khái niệm tiêu chuẩn quốc gia, cơ quan có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn, quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia…, còn Đạo luật Tiêu chuẩn hóa công nghiệp tập trung vào các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hóa công nghiệp. Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Hàn Quốc là Cơ quan Công nghệ và Tiêu chuẩn Hàn Quốc (KATS), trực thuộc Bộ Kinh tế Tri thức. KATS đóng vai trò đặc biệt quan trọng trongchương trình tiêu chuẩn quốc gia của Hàn Quốc.

Hoa Kỳ không có một luật cụ thể về tiêu chuẩn hóa. Các quy định liên quan đến tiêu chuẩn hóa được quy định rải rác tại các luật như: Luật Phát triển và Chuyển giao Công nghệ Quốc gia (NTTAA), Luật An toàn sản phẩm cho người tiêu dùng, Luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp bảo hiểm y tế, Luật Quản lý thực phẩm và thuốc. Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của Hoa Kỳ là Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI).

Để phát triển toàn diện, hiệu quả hệ thống tiêu chuẩn, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ (USSS) đặt ra mục tiêu chiến lược để hỗ trợ khả năng cạnh t