Hệ thống thương vụ tăng cường thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo tín hiệu thị trường
Giao ban XTTM với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài: Kênh xúc tiến xuất nhập khẩu nhanh và hiệu quả
Từ dấu ấn năm 2022 - xuất nhập khẩu phải hướng đến phát triển xanh và bền vững
Năm 2023 - Trái cây Việt rộng đường vào các thị trường lớn
Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đối với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023” diễn ra ngày 31/1/2023.
Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của hơn 500 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, đại diện các Hiệp hội ngành hàng trong nước, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì mức tăng trưởng cao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 01 mặt hàng so với năm 2021).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD.
Đạt được kết quả trên, bên cạnh sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, có sự đóng góp quan trọng của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Những khuyến nghị thiết thực, cụ thể
Theo các chuyên gia, năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn bội phần. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.
Tại Hội nghị, các Thương vụ Việt Nam tại Mexico, Canada, Brazil, Argentina, UAE, Bỉ, Liên bang Nga, Thụy Điển và Nam Phi đã thông tin một số tình hình cập nhật về thị trường sở tại có tác động tới thương mại với Việt Nam và các khuyến nghị về hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp tại nước sở tại, làm cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Các Thương vụ đã đưa ra những khuyến nghị thiết thực, cụ thể. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ ngành hàng để có thể trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Việt Nam tại nước sở tại; tham gia các hội thảo trực tuyến và trực tiếp, bổ sung thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các nước trong khu vực.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và có thông tin thật rõ về đối tác làm việc. Cần kiên trì trong đàm phán hợp đồng với doanh nghiệp nước sở tại; lưu ý đến các điều khoản liên quan đến thanh toán trong hợp đồng,
Bên cạnh đó, cần sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và cùng bảo vệ để mở rộng thị trường; các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh.
Đánh giá cao hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc thông tin, tham mưu cho lãnh đạo trong công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần chú trọng nắm bắt chủ trương chính sách mới của nước sở tại, nhất là những rào cản thuế quan mới của nước sở tại để tham mưu cho lãnh đạo Bộ ra những quyết sách đảm bảo lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp Việt Nam; khuyến nghị các cơ quan quản lý để có điều chỉnh phù hợp giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Các Thương vụ phải làm tốt công tác thu thập thông tin nước sở tại để cung cấp cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trả lời được những câu hỏi: sản xuất cái gì, cho ai và giá bao nhiêu. Để tiến tới, doanh nghiệp sản xuất phải theo tín hiệu thị trường, sản phẩm làm ra phải có thị trường, đầu ra ổn định, để không còn hiện tượng giải cứu nông sản như những năm trước- Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.
Hệ thống Thương vụ bên cạnh việc duy trì những thị trường xuất khẩu truyền thống, cần phát triển thêm các thị trường mới tiềm năng và những sản phẩm xuất khẩu mới; đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp các cơ quan liên quan để tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Lê Kim Liên