Chuyên gia khuyên cách bổ sung thực phẩm chức năng

authorNgọc Nga 20:50 05/04/2024

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, việc bổ sung thực phẩm chức năng rất cần thiết cho sức khỏe tuy nhiên chỉ khi cơ thể cần nếu không sẽ gây ra nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe nếu lạm dụng.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.

Tuy nhiên hiện tại trên thị trường thực phẩm chức năng được bán rộng rãi nhưng không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng. Cần hết sức cẩn trọng với những thực phẩm chức năng có các dấu hiệu: Nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; thực phẩm chức năng “xách tay” từ nước ngoài, hàng bán online không được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; Mẫu mã bao bì sản phẩm nhái với những sản phẩm thực phẩm chức năng được cấp phép; Không có hướng dẫn sử dụng, thông tin sản phẩm rõ ràng.

Bởi khi sử dụng thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng có thể dẫn tới nhiều rủi ro cho sức khỏe. Bởi nếu sản phẩm không đảm bảo chất lượng có thể chứa các thành phần độc hại hoặc có tiềm năng gây hại cho sức khỏe có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm dị ứng, ngộ độc, và các tác dụng phụ khác. Người tiêu dùng có thể phải chi tiền vào sản phẩm không đảm bảo chất lượng mà không nhận được giá trị tương xứng.

 Không nên bổ sung thực phẩm chức năng khi cơ thể không thiếu chất. Ảnh minh họa

Đặc biệt việc lạm dụng hoặc uống nhiều thực phẩm chức năng cùng một lúc sẽ gây hại cho sức khỏe. Bởi vì, trong đa số các thực phẩm chức năng sẽ chứa nhiều các dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, chất xơ…

Thực tế hiện nay có nhiều người mỗi ngày đều uống hàng chục loại thực phẩm bổ sung, với mong muốn kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe và sự tươi trẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ cho rằng việc tự ý sử dụng các sản phẩm thực phẩm bổ sung mà không biết cơ thể có thiếu hay không tiềm ẩn nhiều tác hại. Nguy hiểm hơn có một số nhóm thực phẩm chức năng được người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thường xuyên nhưng không đúng cách, dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như: sữa non, thực phẩm chức năng giảm cân, bổ sung nội tiết tố, hỗ trợ điều trị bệnh.

Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, các cuộc khảo sát chỉ ra hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ sử dụng thực phẩm bổ sung. Thị trường này dự kiến tạo ra khoảng 240 tỉ USD trên toàn thế giới vào năm 2024, tăng từ mức 135 tỉ USD vào năm 2016.

Theo Richard Bloomer, nhà khoa học nghiên cứu về mức độ an toàn và hiệu quả của các thực phẩm bổ sung, một số sản phẩm dường như có tác dụng tích cực, trong khi nhiều loại khác có thể bị cường điệu hóa quá mức. Có nhiều thực phẩm bổ sung không đáng để chúng ta bỏ tiền bạc và thời gian sử dụng, trong khi nhiều loại khác thực sự có giá trị. Vấn đề là tìm ra loại nào có giá trị và tại sao.

Ông khuyến nghị mọi người nên tìm kiếm trên các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học, trước khi mua sản phẩm. Nhà khoa học này cũng nhấn mạnh có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ ngon là những điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho sức khỏe của mình. Không có loại thực phẩm bổ sung nào có thể thay thế được lợi ích của những điều này.

Nhà khoa học Bloomer cũng chia sẻ thêm lý do để người tiêu dùng cân nhắc có cần sử dụng thực phẩm bổ sung, bên cạnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình hay không. 

Theo đó một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin, rất cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường. Nếu bị thiếu hụt các chất có thể cân nhắc dùng thực phẩm bổ sung dưới sự giám sát của một chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ. Ví dụ, hầu hết người Mỹ đều thiếu vitamin D vì cơ thể chủ yếu tổng hợp vitamin này từ ánh sáng mặt trời. Vitamin D rất cần thiết cho sức khỏe của xương, răng và cơ bắp, vì vậy Bloomer chọn bổ sung vitamin D hằng ngày để đảm bảo cơ thể không bị thiếu.

Tương tự, những người ăn chay có nguy cơ thiếu vitamin B12, có trong các sản phẩm động vật. Vitamin B12 giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh, hỗ trợ sản xuất DNA và hồng cầu, duy trì chức năng não khỏe mạnh. Vì vậy, bổ sung vitamin B12 có thể cần thiết cho người ăn chay. Sự thiếu hụt vitamin có thể gây ra một số triệu chứng, chẳng hạn như chảy máu nướu răng, loét miệng và móng giòn. Tuy nhiên, tốt nhất nên nhờ chuyên gia y tế kiểm tra trước khi quyết định sử dụng thực phẩm bổ sung.

Nhà khoa học Bloomer cũng cho biết, các chất bổ sung có thể hữu ích nếu đang cần giải quyết một vấn đề cụ thể. Trong một khoảng thời gian, giả sử khi cảm thấy dễ bị cảm lạnh hơn, có thể sử dụng vitamin C và kẽm để tăng cường khả năng miễn dịch".

Một người có thể dùng lutein và zeaxanthin, cả hai đều là carotenoid, nếu họ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể. Nghiên cứu cho thấy hai loại chất bổ sung này có thể cải thiện các triệu chứng về mắt. Tương tự, các nghiên cứu đã phát hiện coenzym Q10 có thể có lợi cho những người bị suy tim và tiểu đường.

Các chất bổ sung cũng có thể hữu ích nếu bạn muốn tăng cường hoạt động thể chất hoặc tinh thần. Nhiều người đã tìm cách tăng sự tỉnh táo và tập trung bằng cách uống cà phê mỗi sáng.

Theo ông Bloomer, nếu sức khỏe đã tốt nhưng muốn vượt ra khỏi giới hạn một chút, thì sử dụng thực phẩm bổ sung có thể có lợi. Ví dụ, một vận động viên có thể dùng creatine monohydrate, vì có bằng chứng cho thấy chất này có thể cải thiện sức mạnh, tăng khối lượng cơ và ngăn ngừa chấn thương. Bloomer cho biết creatine monohydrate cũng có thể tăng cường chức năng não trong một số điều kiện nhất định.

Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng

Căn cứ theo quy định của pháp luật tại Điều 14 Luật An toàn thực phẩm 2010, các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm chức năng gồm:

- Có thông tin, tài liệu khoa học chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố.

- Thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm.

- Tuân thủ quy định về quản lý thực phẩm chức năng tại Thông tư 43/2014/TT-BYT.

- Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

- Ngoài ra, tùy vào từng loại, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây: Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm (xem chi tiết tại Điều 6 Thông tư 43/2014/TT-BYT); Quy định về bảo quản thực phẩm.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang