Biến chủng Delta không làm ảnh hưởng hiệu quả vaccine Covid-19

author 13:18 29/09/2021

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu của Mỹ cho biết, biến chủng Delta không làm ảnh hưởng hiệu quả vaccine Covid-19.

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy biến chủng Delta không làm ảnh hưởng hiệu quả vaccine Covid-19 như nhiều cảnh báo trước đó. Biến chủng Delta (B.1.617.2) từng được nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng né tránh vaccine vì các đột biến nguy hiểm. Tuy nhiên, trong bài báo đăng trên medRxiv (chờ phản biện), nhóm chuyên gia của Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Mỹ, khẳng định hiệu quả của vaccine không bị ảnh hưởng bởi biến chủng Delta.

Với khả năng lây lan nhanh, biến chủng Delta đã xuất hiện ở hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm 98% các ca bệnh ở Mỹ. Nhóm chuyên gia sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan y tế công cộng ở 7 tiểu bang, 5 quận và Columbia để thu thập kết quả xét nghiệm. Nhóm cũng đánh giá kết quả tiêm chủng từ ngày 15/5 đến 15/9. Đây là giai đoạn Delta chiếm đa số trong các ca mắc mới tại Mỹ, có thời điểm tỷ lệ lên tới 100%.

Vaccine Covid-19 vẫn đạt hiệu quả cao trước biến chủng Delta. Ảnh minh họa

Các tác giả khẳng định hiệu quả vaccine vẫn rất cao trên toàn nước Mỹ từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8. Duy nhất Washington có sự giảm nhẹ về hiệu quả của vaccine trước Covid-19 trong thời điểm cuối tháng 6.

Trung bình chỉ số hiệu quả của vaccine Covid-19 (đo bằng khả năng chống lại nhiễm nCoV, xác định qua xét nghiệm rRT-PCR), luôn ở mức 0,7-0,9, không thay đổi ngay cả trong thời điểm biến chủng Delta lây lan mạnh nhất.

Yếu tố khác là tải lượng virus. Các F0 không tiêm vaccine có tải lượng virus tăng lên, dễ diễn biến nặng. Trong khi đó, người đã tiêm chủng và mắc Covid-19 có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, tải lượng virus của họ giảm nhanh, hồi phục sớm.

Độ tuổi tiêm chủng trung bình đã giảm 4,4 tuổi so với mùa hè năm 2021. Do đó, hiệu quả của vaccine có thể tăng lên khi ngày càng nhiều người trẻ được tiêm chủng trong thời điểm Delta lây lan. Nhóm chuyên gia nhấn mạnh vaccine là biện pháp tốt nhất hiện nay để bảo vệ chúng ta khỏi biến chủng Delta. Ngoài ra, hiệu quả của vaccine có sự khác nhau giữa những độ tuổi được tiêm chủng.

“Từ những dữ liệu nghiên cứu, chúng tôi kết luận không có bằng chứng cho thấy biến chủng Delta thoát khỏi khả năng miễn dịch từ vaccine Covid-19 đang sử dụng tại Mỹ”, nhóm nghiên cứu viết.

Theo các nhà khoa học cho biết, virus SARS-CoV-2 là chủng virus đang gây ra đại dịch Covid-19 toàn cầu. Đây là chủng virus có vật chất di truyền là một mạch dương RNA. Theo phân định của GISAID, chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu bao gồm 2 nhóm chính là L và S dựa theo 9 loại dấu hiệu nhận biết hay còn gọi là marker. Sau đó kiểu L biến đổi gen và phân thành 2 nhóm mới là V và G. Nhóm G tiếp tục biến đổi thành các nhóm GH và GR. Như vậy, cho tới nay chủng virus SARS-CoV-2 gồm 6 nhóm là GR, G, GH, S, L và V.

Đột biến diễn ra trong quá trình nhân lên của virus khi vật chất RNA bị sao chép lỗi so với nguyên bản vào tế bào vật chủ mới. Đột biến gồm ba loại cơ bản: thay thế, chèn và xóa vật chất di truyền. Theo tính toán, tốc độ đột biến được ước tính là 8x10 mũ (-4) - 1.23 x 10 mũ (-3)base/site/năm. Như vậy, tốc độ đột biến ở virus SARS-CoV-2 là rất chậm. Tuy nhiên, tốc độ đột biến của chủng virus này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và khó đoán định.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang