Bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ có thể sử dụng một số loại thuốc hiệu quả điều trị tại nhà

author 06:19 15/08/2021

(VietQ.vn) - Do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng nên nhiều quốc gia đã cho phép bệnh nhân thể nhẹ tự dùng một số loại thuốc tại nhà. Vậy đâu là những loại thuốc được một số quốc gia đang sử dụng?

Nhiều nước đang thử nghiệm và cân nhắc cấp phép các loại thuốc giúp điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và vừa, qua đó giảm tải cho bệnh viện trong lúc số ca nhiễm gia tăng.

Bệnh nhân COVID-19 được tự điều trị bằng Ronapreve

Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cho phép bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình sử dụng thuốc Ronapreve để tự điều trị tại nhà.

Hiện tại, loại hỗn hợp kháng thể đơn dòng này chỉ được sử dụng trong vòng 7 ngày sau khi bệnh nhân biểu hiện triệu chứng và chỉ dùng cho bệnh nhân nhập viện. Nhưng khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên cả nước và theo ý kiến của các chuyên gia y tế, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói rằng chính phủ sẽ cho phép bệnh nhân tự cách ly ở nhà sử dụng loại thuốc mà ông nói là “mang tính cách mạng” này, Japan Times đưa tin. Ronapreve giúp bệnh nhân không phát triển các triệu chứng nặng.

Trước đó, Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép cho sử dụng khẩn cấp Ronapreve đối với bệnh nhân nội trú từ 12 tuổi trở lên, không cần thở ôxy và không có nguy cơ biến chứng nặng.

Chính phủ Nhật Bản được cho là đã mua 200.000 liều Ronapreve. Do nguồn cung hạn chế từ công ty Chugai, Bộ Y tế Nhật Bản quyết định dự trữ thuốc này và cung cấp miễn phí cho các bệnh viện đã đăng ký. Đến nay, hơn 2.000 bệnh viện ở Nhật Bản đăng ký sử dụng Ronapreve.

Sử dụng một số loại thuốc điều trị COVID-19 tại nhà. Ảnh minh họa 

Do nguồn cung Ronapreve còn hạn chế, thuốc này dự kiến sẽ được ưu tiên phát miễn phí cho bệnh nhân ngoại trú từ 50 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền. Chi phí chữa trị không được tiết lộ nhưng ước tính khoảng 250.000 yen/liều (gần 52 triệu đồng).

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở nước ngoài trên bệnh nhân COVID-19 có những bệnh nền như tiểu đường, béo phí hoặc huyết áp cao cho thấy Ronapreve giảm 70,4% nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong, và cũng giúp giảm thời gian biểu hiện triệu chứng 4 ngày.

Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo sử dụng Ronapreve cho bệnh nhân ngoại trú ngay sau khi cấp phép sử dụng loại thuốc này vào tháng 11 năm ngoái.

Kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy Ronapreve vẫn giữ được hiệu quả trước các biến chủng chính của virus corona, bao gồm biến chủng Delta. Thuốc này đã được kê cho một nhà lãnh đạo Mỹ khi bị mắc COVID-19 vào tháng 10 năm ngoái và được nói là đã giúp ông hồi phục nhanh hơn. Ronapreve là sản phẩm do hãng dược phẩm Mỹ Regeneron bào chế.

Hãng dược Shionogi của Nhật cũng sắp xin cấp phép cho loại thuốc viên S-217622 để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, mỗi ngày chỉ uống một viên. Nhật Bản kỳ vọng S- 217622 sẽ giúp vô hiệu hóa vi rút trong vòng 5 ngày từ khi bệnh nhân bắt đầu uống. Tại Mỹ, Viện Nghiên cứu lâm sàng Duke (bang Bắc Carolina) đang kêu gọi tình nguyện viên tham gia thử nghiệm 3 loại thuốc có tiềm năng ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 nhập viện gồm: Ivermectin dùng điều trị nhiễm ký sinh trùng, Fluticasone dạng xịt để trị bệnh hen suyễn, tắc nghẽn phổi mãn tính và Fluvoxamine chống trầm cảm.

Úc cũng đang cấp phép cho liệu pháp điều trị kháng thể sotrovimab 

Cục Quản lý hàng hóa trị liệu Úc (TGA) cũng cấp phép cho liệu pháp điều trị kháng thể sotrovimab do Hãng GlaxoSmithKline (Anh) và Vir Biotechnology (Mỹ) sản xuất. Theo mạng truyền hình Nine News, liệu pháp truyền tĩnh mạch này có thể giảm đáng kể nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ đến vừa, đã được Mỹ và nhiều nước cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Trong khi đó, Hãng dược Celltrion của Hàn Quốc ngày thông báo đã được Brazil cấp phép sử dụng liệu pháp kháng thể Rekirona, giúp giảm nguy cơ trở nặng của bệnh nhân Covid-19 và rút ngắn thời gian hồi phục.

Việt Nam đưa thuốc viên Molnupiravir của Mỹ vào chăm sóc ca mắc COVID-19 tại nhà

Cơ quan chức năng sẽ họp phê duyệt đề cương thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir. Đây là thuốc đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị.

Được biết, Bộ Y tế phối hợp với TPHCM sẽ triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) cho các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú tại TPHCM. Chương trình sẽ sử dụng có kiểm soát ngoài cộng đồng thuốc Molnupiravir.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc. Tới đây, Bộ sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá làm giảm nhanh nồng độ virus.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus SARS-CoV-2 tốt nhất. Theo Bộ Y tế, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Hiện nay, Hội đồng Đạo đức, khoa học của Bộ Y tế và các chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở nhập thuốc, tăng vấn đề sản xuất thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp có khả năng sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.

Sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia hàng đầu trong nước, Bộ Y tế và tập đoàn Vingroup triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà và tại các khu cách ly.

Chương trình được kỳ vọng sẽ cung cấp hệ thống tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; Hỗ trợ hộp thuốc home-based care và một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Y tế khẳng định việc cung cấp và sử dụng thuốc Molnupiriavir trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.

Dựa trên kết quả tổng kết đánh giá, chương trình sẽ được xem xét để tiếp tục triển khai nhân rộng tại các cơ sở thu dung, điều trị của các địa phương, tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế, cùng với việc điều trị các trường hợp F0 thể nhẹ nhằm giảm chuyển nặng, giảm tử vong, một trong những ưu tiên của ngành Y tế trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19 hiện nay là điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19 chưa có triệu chứng (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.

Ngoài ra, với các thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng hiện nay, Việt Nam đang có thuốc Remdesivir (đã về một đợt) và một số thuốc kháng virus khác. “Coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí chống lại virus để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn và có thể áp dụng đại trà”, Bộ trưởng nói.

Thuốc Molnupiravir, do các chuyên gia của Merk và Rigibel (Mỹ) nghiên cứu và phát triển, đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân COVID-19.

Molnupiravir thuộc nhóm thuốc kháng virus mang tên “chất ức chế polymerase”, hoạt động bằng cách tấn công vào một loại enzym mà virus dùng để sao chép vật liệu di truyền rồi đưa vào đó các đột biến khiến virus không thể tái tạo. Vì kháng thể tấn công protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, nên thuốc kháng virus được trông đợi sẽ chống lại được nhiều biến thể hơn.

Không giống Remdesivir - được tiêm vào tĩnh mạch, Molnupiravir được bào chế ở dạng viên, sử dụng qua đường uống, có thể được dùng để điều trị trong giai đoạn đầu của bệnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang