Hiệu quả vaccine Covid-19 dạng hít và xịt mũi - niềm hy vọng mới cho thế giới chống đại dịch

author 07:19 04/08/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu một phương pháp sử dụng vaccine Covid-19 dạng hút và xịt thông qua mũi và miệng.

Hiệu quả vaccine dạng xịt của Trung Quốc

Theo thông tin trên VOV, trong số hơn 100 loại vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận, có 8 loại vaccine dạng xịt mũi. Chúng được thiết kế để đưa vaccine vào niêm mạc mũi và cổ họng, nơi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, và cung cấp phản ứng miễn dịch.

Vào tuần trước, công ty dược phẩm sinh học CanSino Biologics của Trung Quốc đã công bố kết quả của một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy, một phiên bản dạng hít của vaccine Ad5-nCoV đã được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc, Pakistan và Mexico. Theo kết quả thử nghiệm, loại vaccine dạng hít này kích hoạt các phản ứng miễn dịch và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hai liều vaccine Covid-19 dạng hít sẽ được sử dụng cách nhau 28 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một liều vaccine dạng hít có thể tích chỉ bằng 1/5 liều vaccine tiêm vào bắp tay, trong khi phản ứng miễn dịch được tạo ra là tương đương nhau.

Một vài người trong số 130 người tham gia thử nghiệm ở Trung Quốc đã sử dụng 1 liều vaccine dạng tiêm và 28 ngày sau sử dụng 1 liều vaccine dạng hít. Kết quả thử nghiệm cho thấy, những người này có lượng kháng thể trung hòa cao.

“Việc sử dụng vaccine dạng hít Ad5-nCoV đơn giản, không gây đau đớn, dung nạp và sản sinh miễn dịch tốt”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 26/7.

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu hỗ trợ cho các thử nghiệm lâm sàng vaccine dạng hít giai ở đoạn 2 và 3 đã sẵn sàng.

 Các nhà nghiên cứu đang phát triển một loại vaccine dạng xịt mũi và họng. Ảnh: AFP

Vaccine tiêm ở bắp tay tạo ra các phản ứng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể, không nhắm mục tiêu cụ thể vào vùng lây nhiễm của virus. Trong khi đó, vaccine dạng hít nhắm mục tiêu cụ thể vào các bề mặt niêm mạc mũi, họng và phổi, điểm xâm nhập của virus, để tạo ra phản ứng miễn dịch.

Lớp niêm mạc này tạo ra các kháng thể được gọi là immunoglobulin A, giúp cơ thể chống lại các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 28/7, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra cách vaccine của công ty CanSino sẽ được sử dụng thông qua một ống hít đặc biệt.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, vaccine Covid-19 được tiêm ở bắp tay thường yêu cầu bảo quản lạnh và nhân viên y tế phải được đào tạo để tiêm cho người dân. Đây được xem là một khó khăn đối với các nước có nền công nghiệp kém phát triển và các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, vaccine dạng hít có thể được sử dụng thông qua các thiết bị dùng 1 lần mà không cần nhân viên được đào tạo. Điều này giúp chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể triển khai dễ dàng hơn.

Ngoài ra, vaccine dạng hít cũng là niềm hy vọng đối với những người mắc chứng sợ kim tiêm. Hou Lihua, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc, cho biết, vaccine dạng hít có thể giúp “tăng đáng kể” mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân.

Bà Lihua cho biết, vaccine dạng hít yêu cầu liều lượng thấp hơn nhiều so với vaccine dạng tiêm, giúp việc sản xuất vaccine trở nên dễ dàng hơn và có thể sản xuất được nhiều vaccine hơn.

Các giáo sư Yuen Kwok-yung và Chen Honglin tại Đại học Hong Kong đã phát triển một loại vaccine dạng hít đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng.

Họ cho biết vaccine tiêm ở bắp tay vào sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch toàn thân nhưng không rõ các phản ứng miễn dịch ở đường hô hấp sẽ như thế nào.

Vaccine dạng hít được thiết kế để tạo ra miễn dịch trong đường hô hấp và các thí nghiệm trên động vật cho thấy, chúng cũng có thể tạo ra miễn dịch cho toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, vaccine dạng hít cũng được cho là ít gây ra phản ứng dị ứng sau khi sử dụng.

Một bài báo xuất bản trên tạp chí Expert Review of Vaccines vào tháng 3 của chuyên gia Wouter Hinrichs tại Đại học Groningen cho rằng, vaccine dạng hít, đặc biệt khi được bảo quản ở dạng bột khô, có thể được giữ ở dạng ổn định lâu hơn nhiều so với vaccine dạng lỏng tiêm ở bắp tay.

Tuy nhiên, câu hỏi về hiệu quả lâu dài của vaccine dạng hít vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Mặc dù nghiên cứu của công ty CanSino không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng trong số những người tham gia thử nghiệm vaccine dạng hít giai đoạn đầu, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra các tác dụng phụ.

Nghiên cứu của chuyên gia Hinrichs cũng cho thấy, trong khi phản ứng miễn dịch ở bề mặt niêm mạc có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh, nó cũng có thể làm tổn thương phổi hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh nếu phản ứng miễn dịch quá mạnh.

Hiện vaccine dạng hít là loại vaccine tương đối mới và chủ yếu được sử dụng cho bệnh cúm, nhưng công ty CanSino không phải là đơn vị duy nhất đang nghiên cứu phát triển vaccine dạng hít để ngăn ngừa đại dịch Covid-19.

Đại học Oxford (Anh) cũng đang nghiên cứu các phản ứng miễn dịch từ việc sử dụng vaccine dạng xịt mũi với thử nghiệm ban đầu gồm 30 tình nguyện viên.

Một thử nghiệm kiểm tra tính an toàn và khả năng miễn dịch của COVI-VAC, một loại vaccine Covid-19 dạng xịt mũi của công ty Codagenix (Mỹ), hiện đang được thực hiện tại Anh.

Các loại vaccine dạng xịt mũi khác cũng đang được thử nghiệm ở Australia và Ấn Độ. Tuy nhiên, một loại vaccine dạng xịt mũi từ công ty Altimmune của Mỹ đã bị loại bỏ sau khi không tạo được phản ứng miễn dịch như mong đợi.

Vaccine Nano Covax của Việt Nam cũng có cả dạng xịt mũi

Trong diễn biến liên quan tới nghiên cứu vaccine, mới đây trao đổi với báo Tuổi Trẻ mới đây, nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax cho biết đang lấy mẫu đánh giá tính an toàn và tính miễn dịch của vắc xin Nano Covax với 1.004 người tiêm ngừa đủ 2 mũi giai đoạn 3a.

Dự kiến hoạt động lấy mẫu sẽ kéo dài đến đầu tuần tới, nhưng các mẫu đã lấy từ giữa tháng 7 đến nay đã được chuyển đến đơn vị phụ trách đánh giá kết quả (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương).

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết đang gấp rút hoàn thiện các biểu mẫu để gửi báo cáo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 lên Bộ Y tế theo đúng yêu cầu của bộ là ngày 4/8. Song song với quá trình này, nhà sản xuất sẽ hoàn thiện hồ sơ để gửi Bộ Y tế, các hội đồng chuyên gia, đề nghị được cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax.

Theo thông tin của nhà sản xuất, đã có xấp xỉ 14.000 người tham gia tiêm ngừa vắc xin Nano Covax ở 3 giai đoạn 1, 2, 3. Trong đó giai đoạn 3 gồm: 3a có 1.004 người tham gia, 3b có 12.000 người. Về cơ bản, vắc xin đảm bảo an toàn và sinh miễn dịch tương đương với các vắc xin nhập ngoại đang sử dụng.

Đại diện nhà sản xuất vắc xin cũng cho biết đã có thư ủy quyền cho đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu tham gia đàm phán để thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax tại Ấn Độ. Ngoài ra còn một số quốc gia đề nghị chuyển giao công nghệ hoặc mua bán thành phẩm Nano Covax. Hiện các đề nghị này vẫn đang ở diện trao đổi. Ngoài sản phẩm dạng tiêm, Nano Covax còn có sản phẩm sử dụng theo đường xịt mũi.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế và Bộ Tư pháp tháo gỡ các vướng mắc về quy định để có thể cấp phép cho vắc xin.

Luật dược hiện hành yêu cầu thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn và sản phẩm chứng minh được hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, nếu chờ đủ các điều kiện này, thời gian chờ đợi sẽ rất lâu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang