‘Hô biến’ thực phẩm chức năng giả thành hàng thật bằng những chiếc tem giả

author 11:50 15/10/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố Nguyễn Thị Huệ, SN 1995, là quản lý của Công ty La Giang về tội “Làm, buôn bán tem giả”, ngoài ra lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng giả.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an huyện Lạng Giang, Công an xã Đại Lâm và Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện quả tang các đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng tại Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA, ở Quốc lộ 31, thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác bắt quả tang các nhân viên Công ty đang tiến hành dán nhãn phụ lên vỏ hộp có chữ nước ngoài ghi nội dung: Collagen + A,E,C 12000mg (Gold), Made in USA; nhãn phụ có nội dung: Thực phẩm chức năng Collagen + A,E,C 12000mg (Gold), nhà sản xuất: AVA PHARMACEUTICAL COMPANY, địa chỉ: Ô 01/Lô 15 điểm công nghiệp làng nghề xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội; phân phối độc quyền: Công ty TNHH Thương mại BTC Thanh Xuân, địa chỉ: Số 25, ngõ 523, đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Đồng thời, qua kiểm tra cho thấy nhà kho của Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA có để nhiều tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, lọ nhựa, hộp nhựa, các viên nang màu nâu được đóng kín trong túi nilông cùng các dụng cụ để đóng gói.

Đối tượng  Vũ Văn Sỹ, Ong Thị Vân buôn bán thực phẩm chức năng giả 

Tổ công tác đã tiến hành thu giữ, tạm giữ 16 thùng chứa các viên nang màu nâu, viên nang được bọc kín trong túi ni lông và một số thiết bị, tài liệu, vỏ hộp có liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Vào tháng 6 và 7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Văn Sỹ (SN 1995), Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA (trụ sở tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang); Nguyễn Văn Biên (SN 1992), nhân viên Công ty EUPHA; Ong Thị Vân (SN 1988), Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Nam Phong (Hà Nội) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Mới đây, Cơ quan CSĐT đã khởi tố thêm Nguyễn Thị Huệ, SN 1995, là quản lý của Công ty La Giang về tội “Làm, buôn bán tem giả”.

Để phù phép cho các sản phẩm của Công ty, Vũ Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA (trụ sở tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang) đã đặt in 20 nghìn tem giả có dòng chữ “Trung tâm KTTLVN Bộ Công an - Tem chống hàng giả - Hàng chính hãng - Phân phối độc quyền) tại Công ty La Giang (Hà Nội).

Quá trình điều tra xác định: Tháng 2/2022, Vũ Văn Sỹ đã liên hệ với Nguyễn Thị Huệ (SN 1994) là quản lý của Công ty La Giang đặt in 10 nghìn con tem với giá 800 nghìn đồng để dán lên các lọ collagen giả. Sỹ gửi hình ảnh scan tem, nhãn vỏ hộp nêu trên qua tin nhắn zalo cho Huệ.

Hình ảnh tem được nhân viên thiết kế của Công ty La Giang chỉnh sửa, gửi lại để hai bên thống nhất duyệt, in tem. Toàn bộ quá trình giao dịch, trao đổi giữa các bên đều được thực hiện qua tin nhắn Zalo. Đến tháng 4/2022, Sỹ tiếp tục đặt Huệ in thêm 10 nghìn con tem loại này. Dù Huệ biết rõ Công ty La Giang không được cơ quan chuyên môn cấp phép hoạt động in tem chống hàng giả nhưng vẫn sản xuất loại tem này để bán cho Sỹ kiếm lời.

Được biết, mặt hàng các đối tượng sản xuất, tung ra thị trường phổ biến với tên gọi như: Glucosamin, Collagen, Canxi, làm giả nhãn mác của các công ty có uy tín trên thị trường.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, thực phẩm chức năng và thảo dược không được kiểm soát gây độc tính và tổn thương gan ngày càng nhiều, đặc biệt với các thành phần không được liệt kê trong thông tin sản phẩm.

Do đó, người sử dụng cần cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm chức năng hay thuốc có nguồn gốc thảo dược chứa các thành phần không dán nhãn, hay chất hóa học và vi khuẩn, chất gây nghiện dược lý hoặc hợp chất khác có tiềm năng gây độc để tránh gây tổn hại gan, đặc biệt phải ghép gan, thậm chí tử vong.

Trong trường hợp bị suy gan cấp tình do dùng thực phẩm bổ sung thì sinh thiết gan có thể biết chính xác tác nhân phá hủy gan là chất nào.

Tình trạng buôn bán mỹ phẩm giả ngày càng phổ biến và có dấu hiệu phức tạp hơn tại Việt Nam. Vậy, hành vi buôn bán, làm giả mỹ phẩm sẽ bị xử phạt thế nào?

Điều 25 Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về khung hình phạt với “hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa” mức phạt cao nhất chỉ từ 7 - 10 triệu đồng.

Còn theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP Điều 13, với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng tùy theo số lượng và giá trị của hàng thật. Theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS 1999), tùy thuộc tính chất, mức độ, loại hàng hóa vi phạm, hành vi buôn bán hàng giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà người vi phạm bị xử phạt từ 6 tháng đến 15 năm tù.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang