Hỗ trợ doanh nghiệp Hưng Yên nâng cao năng suất chất lượng SPHH

author 06:21 05/12/2021

(VietQ.vn) - UNBD tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2021 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Mục đích của Kế hoạch là cụ thể hóa nội dung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Hưng Yên.

UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu việc triển khai Kế hoạch phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; có sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ, tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là năng suất chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất hiệu quả, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên.

Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025 sẽ đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho 1-2 chuyên gia năng suất chất lượng và 1-2 chuyên gia đánh giá, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hệ thống quản lý (khi có đơn vị ở Trung ương mở khóa đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng); Triển khai chương trình đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng cho ít nhất 01 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001, ISO 14001, 22000, 17025, tiêu chuẩn Vietgap,...; hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế cho các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh;Tổ chức 2-4 đợt tuyên truyền, phổ biến về năng suất chất lượng, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các đơn vị liên quan;

Hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho 20-30 tổ chức, doanh nghiệp với các nội dung hỗ trợ: Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp; Thực hiện đo lường, tính toán mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm, giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục hỗ trợ xây dựng 01 tổ chức tư vấn hoặc đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng được công nhận;

Hỗ trợ ít nhất 01 đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để nâng cao năng lực về thử nghiệm, kiểm nghiệm, giám định, chứng nhận cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và quốc tế; Hỗ trợ ít nhất 03 tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất của doanh nghiệp; các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng;

Công nhân trong nhà máy cơ khí chế tạo. Ảnh minh họa

Xây dựng ít nhất 02 quy chuẩn kỹ thuật địa phương; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về năng suất chất lượng hoặc sáng kiến kỹ thuật trong khối sinh viên và học sinh trong tỉnh; Xây dựng ít nhất 02 phóng sự hoặc chuyên mục về năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên và 03 bài viết chuyên đề trên Báo Hưng Yên.

Giai đoạn 2026-2030, Kế hoạch đề ra mục tiêu phối hợp cử đi đào tạo được chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho ít nhất 02 chuyên gia năng suất chất lượng và 02 chuyên gia đánh giá, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hệ thống quản lý (khi có đơn vị ở Trung ương mở khóa đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng);

Triển khai chương trình đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng tại ít nhất 02 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khoảng 25 lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, ISO 14001, 22000, 17025, Vietgap;..., hướng dẫn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế cho các tổ chức đơn vị trên địa bàn tỉnh;

Tổ chức ít nhất 05 đợt tuyên truyền, phổ biến về năng suất chất lượng, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, đơn vị có liên quan. Hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho 30 - 35 tổ chức, doanh nghiệp với các nội dung hỗ trợ: Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng, áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng trong các tổ chức, doanh nghiệp;

Thực hiện đo lường, tính toán mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm và trong giai đoạn 2026-2029; Hỗ trợ ít nhất 01 đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để nâng cao năng lực về thử nghiệm, kiểm nghiệm, giám định, chứng nhận cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn quốc gia và quốc tế;

Hỗ trợ ít nhất 05 tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tham gia nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất của doanh nghiệp; các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng giải pháp năng suất xanh, phát triển cộng đồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; Xây dựng ít nhất 03 phóng sự hoặc chuyên mục về năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hưng Yên và 3-5 bài viết chuyên đề trên Báo Hưng Yên; Hỗ trợ 02 đơn vị xây dựng Khu nghiên cứu, thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch cũng đưa ra nhiệm vụ, giải pháp là tông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng. Tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và các cách thức tuyên truyền về hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, năng suất xanh vào doanh nghiệp; các giải pháp hiệu quả, điển hình trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng;

Triển khai quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên,...) và các nền tảng công nghệ số để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phong trào năng suất, chất lượng. Xây dựng các tin bài, phóng sự về mô hình điểm, hiệu quả về cải tiến năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh;

Phổ biến và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cho các tổ chức, cá nhân thông qua việc xây dựng, biên tập và phát hành Bản tin TBT Hưng Yên; Tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

Tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu đối với nhân lực quản lý về năng suất chất lượng xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, các giải pháp ứng dụng (sản xuất thông minh, chuyển đổi số ...) cải tiến hiệu quả quản lý, kỹ năng đổi mới sáng tạo, cải thiện các yếu tố nội tại của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng xây dựng khung chương trình hướng nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trên cơ sở gắn kết với nhu cầu của một số doanh nghiệp, khu công nghiệp; Tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động năng suất, chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia;

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tham mưu, đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và các quy định pháp luật; Đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các nguồn lực cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng;

Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Gắn kết chặt chẽ nội dung về năng suất và chất lượng với nhiệm vụ của các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ và quốc gia bao gồm: Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm và các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh khác, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi đưa vào áp dụng tại tổ chức, doanh nghiệp;

Hỗ trợ ít nhất 08 tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tham gia nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất của doanh nghiệp; các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng; Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh, nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến khác;

Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để tăng cường tiềm lực năng lực về thử nghiệm, kiểm nghiệm, giám định, chứng nhận cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.

Gắn kết Chương trình chuyển đổi số của tỉnh với hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đánh giá mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm. Đánh giá mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là việc đo lường, tính toán kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố hữu hình (vốn và lao động) dựa vào sự tác động của các yếu tố vô hình (khoa học công nghệ, quản lý điều hành, đào tạo kỹ năng …);

Thực hiện đo lường, tính toán mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2029. Việc đánh giá bao gồm đo lường, tính toán năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tổng thể chung; xác định mức đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng TFP.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết về phong trào năng suất, chất lượng. Tổ chức học tập kinh nghiệm hay, mô hình hoạt động hiệu quả tại các địa phương trong nước có phong trào năng suất, chất lượng phát triển mạnh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang