Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó phòng vệ thương mại - Giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu

author 16:36 04/07/2024

(VietQ.vn) - 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp của công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%.

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,6%; gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về trị giá xuất khẩu; chè các loại tăng 32,1%; rau quả tăng 28,2%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đạt 160,3 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,7%…

Đáng chú ý, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; thị trường EU đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương cho biết, đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (138 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (50 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (37 vụ việc) và chống trợ cấp (27 vụ việc).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM (danh sách cập nhật tháng 3/2024 và tháng 6/2024) gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đăng tin cảnh báo về nguy cơ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với đĩa giấy; nguy cơ Canada điều tra chống bán phá giá với dây thép, đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam; nguy cơ Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực như: Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn, việc Úc chấm dứt điều tra CBPG với amoni nitrat, các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ được miễn thuế PVTM tạm thời, mức thuế CBPG chính thức do Mêxicô áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ... Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh công tác cảnh báo sớm, ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.

Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Tính trong 06 tháng đầu năm 2024 đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc PVTM, cụ thể gồm: tiếp tục điều tra, rà soát 07 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 01 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 07 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Hiện tại, có 4 biện pháp PVTM đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 1 biện pháp PVTM với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn) và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió. Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (AD01) và thép phủ màu (AD04) để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 5 năm nữa. Dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát của 2 vụ việc này.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang