Nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu

author 06:38 05/07/2024

(VietQ.vn) - Trong thời gian gần đây lực lượng quản lý thị trường (QLTT) một số tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc trà trộn, kinh doanh các sản phẩm thiết bị âm thanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.

Liên tiếp thu giữ thiêt bị âm thanh không rõ nguồn gốc xuất xứ

Mới đây sau khi tiến hành kiểm tra đột xuất quầy kinh doanh số 108 tại Chợ 3, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh do ông N.V.H làm chủ, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và thu giữ 22 chiếc loa giả mạo nhãn hiệu của B3 Việt Nam. Lô hàng có trị giá niêm yết khoảng 38 triệu đồng. 

Sau đó Đội QLTT số 1 tiếp tục thực hiện thủ tục kiểm tra đối với hộ kinh doanh N.T.D tại địa chỉ Ki ốt số 109+110 Chợ 3 cũng phát hiện và thu giữ 10 chiếc loa giả mạo nhãn hiệu B3 Việt Nam. Lô hàng có trị giá niêm yết 38,4 triệu đồng.

Sau thời gian thẩm tra, xác minh có căn cứ, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 02 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 55 triệu đồng đối với Hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Hùng và Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Duyên về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời các hộ kinh doanh bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm theo quy định.

Thiết bị âm thanh không rõ nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh

Cũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 70 triệu đồng đối với ông P.S.T (sinh năm 1986), có hộ khẩu thường trú tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là 16 chiếc loa giả mạo nhãn hiệu Beta Three có trị giá 90 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu kinh doanh trái pháp luật tại cơ sở kinh doanh của ông P.S.T cũng đã bị buộc tiêu hủy theo quy định.

Liên quan đến các thiết bị âm thanh, trước đó Đội QLTT số 9, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra một kho hàng nằm sâu trong ngõ 218 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, thu giữ gần 10.000 sản phẩm là tai nghe không dây và loa Bluetooth thương hiệu Marshall, đồng hồ thông minh, robot hút bụi… có nhiều dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 4,4 tỷ đồng.

Tại Thanh Hóa, Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Thị Mai Hương (địa chỉ tại thôn Đồng Xá 1, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và phát hiện đang trưng bày để bán hàng hóa là loa, bộ micro có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu BMB. Cụ thể, có 30 chiếc loa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu BMB, 06 bộ micro không dây có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu BMB. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ; tổng trị giá hàng hóa hơn 14 triệu đồng.

Tại tỉnh Ninh Bình, sau khi nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân cung cấp đã được thẩm tra, xác minh là có căn cứ vi phạm, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cơ sở kinh doanh thiết bị âm thanh Duy Khánh - Hộ kinh doanh Bùi Duy Khánh tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán nhiều bộ loa kéo, bộ chia điện, Microphone, âm ly, bộ chân loa đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo lực lượng chức năng, việc trà trộn, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng không những ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng trong mua sắm hàng hóa mà còn gây khó khăn cho các nhà sản xuất cũng như phân phối sản phẩm chính hãng tại thị trường Việt Nam.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 130:2022/BTTTT về tương thích điện từ đối với thiết bị âm thanh không dây

Liên quan tới các thiết bị âm thanh không dây, trước đó vào ngày 29/11/2022 Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BTTTT kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 130:2022/BTTTT về tương thích điện từ đối với thiết bị âm thanh không dây dải tần từ 25MHz đến 2000MHz.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 130:2022/BTTTT được biên soạn dựa trên Tiêu chuẩn ETIS EN 301 489-9, bao gồm các yêu cầu về tương thích điện từ đối với các chỉ tiêu phát xạ (radiation) và miễn nhiễm (immunity) áp dụng đối với các thiết bị âm thanh không dây bao gồm micro không dây, loa không dây, tai nghe không dây, bộ micro/loa kết hợp hoạt động trong dải tần vô tuyến 25MHz đến 2000MHz. QCVN 130:2022/BTTTT sẽ có hiệu lực thi hành và bắt buộc áp dụng trong thủ tục nhập khẩu và chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thiết bị âm thanh không dây kể từ ngày 01/07/2023.

Căn cứ theo QCVN 130:2022/BTTTT, các sản phẩm dưới đây sẽ thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn này: Micro không dây có dải tần hoạt động 25MHz - 2000 MHz với mã HS 85181011, 85181019, 85181090; Loa không dây có dải tần hoạt động 25 MHz - 2000 MHz với mã HS 85182110, 85182190, 85182210, 85182290, 85182920, 85182990; Tai nghe không dây có dải tần hoạt động 25MHz - 2000 MHz với mã HS 85183010, 85183020; Micro/loa kết hợp không dây có dải tần hoạt động 25 MHz - 2000 MHz với mã HS 85183051, 85183059, 85183090; Các loại loa, tai nghe không dây không thuộc diện phải áp dụng QCVN 130:2022/BTTTT; Loa, tai nghe không dây Bluetooth hoạt động ở tần số 2.4GHz nên không thuộc phạm vi áp dụng của QCVN 130:2022/BTTTT và QCVN 91:2015/BTTTT; Loa không dây hoạt động ở tần số 25 MHz - 2000 MHz nhưng chỉ thu sóng, không phát sóng

Kể từ ngày 01/07/2023, các sản phẩm thiết bị âm thanh không dây nêu trên sẽ phải thực hiện thủ tục chứng nhận hợp quy theo QCVN 91:2015/BTTTT và công bố hợp quy theo QCVN 91:2015/BTTTT & QCVN 130:2022/BTTTT. Theo đó, doanh nghiệp không cần phải chứng nhận hợp quy lại, nhưng sẽ cần thử nghiệm thêm QCVN 130:2022/BTTTT để hoàn tất thủ tục tự đánh giá sự phù hợp cho sản phẩm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang