Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp ‘sếu đầu đàn’ nhằm nâng cao năng suất lao động
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh
Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm
Trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế được tăng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. An sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, xã hội ổn định, ngày càng tiến bộ.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn. Nền kinh tế còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng quy mô vốn và lao động, trong khi đó đóng góp của các yếu tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, nâng cao NSLĐ, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với kỳ vọng.
Chính vì vậy, để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện, từng bước nâng cao NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị một số giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao năng suất lao động. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng doanh nghiệp mà tăng quy mô của doanh nghiệp. Phải thực hiện cho kỳ được mục tiêu 2 triệu doanh nghiêp đến năm 2030. Chỉ khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng lên thì NSLĐ mới tăng nhanh và bền vững vì các lý do: người lao động được chăm lo tốt hơn thông qua vai trò của các đoàn thể; người lao động cam kết lâu dài hơn, nên có động lực để nâng cao năng lực trình độ để tăng NSLĐ; doanh nghiệp có năng lực tốt hơn trong nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ để tăng NSLĐ.
Thứ hai, trọng tâm của chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo vì đây là khu vực động lực thúc đẩy NSLĐ cả nền kinh tế. Chỉ khi NSLĐ của ngành chế biến chế tạo tăng lên thì mới có thu nhập tăng thêm để chi tiêu cho ngành dịch vụ qua đó làm tăng NSLĐ ngành dịch vụ, hay nói cách khác NSLĐ ngành dịch vụ là phái sinh theo sau ngành chế biến chế tạo. Thúc đẩy NSLĐ ngành chế biến chế tạo cùng với mở rộng quy mô của ngành sẽ là động lực chính thúc đẩy NSLĐ trong cả nền kinh tế.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp nâng cao NSLĐ nội ngành: Hỗ trợ hình thành nên các doanh nghiệp lớn, những sếu đầu đàn dựa trên tiềm lực hiện có của các doanh nghiệp hiện nay để dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ như ngành sản xuất ô tô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép,… Đặc biệt chú trọng mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân, cải thiện NSLĐ doanh nghiệp tư nhân chính sẽ là cú huých lớn cho doanh nghiệp cả nước;
Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp: (i) Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế; (ii) nâng cao vai trò của Công đoàn để thực sự là chỗ dựa của người lao động trong việc ổn định cuộc sống nơi di cư đến; (iii) Xử lý hài hòa vấn đề quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động nhưng cũng đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư; (iv) Nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết phải học nghề, học kỹ năng lao động để có đủ điều kiện dịch chuyển lao động. Hiện nay số người học nghề khi bị thất nghiệp rất thấp (ví dụ trong năm 2023 trong 85 nghìn người nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ có 778 người có ý định học nghề và 487 người thực sự học nghề).
Thứ năm, thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả, cùng với sự phát triển kinh tế cần điều chỉnh tăng lương tối thiểu hợp lý nhằm tạo sức ép doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đồng thời người lao động có động lực nâng cao trình độ tay nghề (không nâng cao tay nghề có nguy cơ mất việc, thu nhập thấp).
Trên thực tế nếu tiền lương được duy trì ở mức thấp sẽ tạo hiệu ứng ngược lại doanh nghiệp không có nhu cầu đổi mới công nghệ vì vẫn có thể khai thác tiền lương thấp với công nghệ cũ, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề vì giá trị của việc nâng cao tay nghề không tương xứng. Ví dụ, Trung Quốc luôn chủ động nâng cao tiền lương tối thiểu từ 690 tệ năm 2006 lên 2600 tệ/tháng năm 2021 nhưng không làm giảm đầu tư mà ngược lại đầu tư tăng, NSLĐ tăng. Tuy nhiên nếu tăng tiền lương tối thiểu quá nhanh có thể làm chùn ý nhà đầu tư. Do đó trong vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra lợi ích chung.
Minh Nghĩa