Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ thấp đối với sản phẩm đúc bằng sợi từ Việt Nam

(VietQ.vn) - Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) sơ bộ 0,76% với sản phẩm đúc bằng sợi nhập từ Việt Nam, đây là kết quả tích cực bước đầu.
Ai Cập có khả năng điều tra chống bán phá giá lốp xe tải và xe buýt từ Việt Nam
Mở rộng điều tra vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc sinh lý giả
Canada điều tra chống bán phá giá dây thép nhập từ Việt Nam
Bộ Công Thương cảnh báo 1 doanh nghiệp trái cây Trung Quốc đang bị điều tra
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra CBPG đối với sản phẩm đúc bằng sợi (molded fiber products) nhập khẩu từ Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác trong vụ việc chỉ bị áp mức thuế CBPG sơ bộ thấp với 0,76%, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc cùng bị điều tra chịu mức thuế từ 47,44% đến 477,97%.
Ảnh minh họa
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, vụ việc được DOC khởi xướng điều tra từ tháng 11/2024, với thời kỳ điều tra CBPG kéo dài từ ngày 1/4 đến 30/9/2024. Nguyên đơn là ba tổ chức và doanh nghiệp Hoa Kỳ, gồm Genera, Tellus Products, LLC và Liên minh Công nhân công nghiệp Mỹ (USW). Sản phẩm bị điều tra mang các mã HS chính là 4823.70.0020 và 4823.70.0040.
Kết luận sơ bộ của DOC nêu rõ, mức thuế CBPG sơ bộ 0,76% được áp dụng cho cả công ty bị đơn bắt buộc lẫn các doanh nghiệp được hưởng thuế suất riêng rẽ. Ngược lại, những công ty không hợp tác không trả lời bản câu hỏi lượng và giá trị hoặc không nộp đơn xin thuế suất riêng rẽ sẽ bị áp thuế CBPG toàn quốc ở mức rất cao: 211,60%. Đáng chú ý, mức thuế CBPG sơ bộ này được đưa ra sau khi đã điều chỉnh theo thuế chống trợ cấp. Trước đó, các doanh nghiệp Việt Nam liên quan chỉ bị áp mức thuế chống trợ cấp sơ bộ là 3,39%, cũng thuộc nhóm thấp trong vụ việc.
Cục Phòng vệ thương mại nhận định, đây là kết quả tích cực bước đầu đối với ngành sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đúc bằng sợi của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, thể hiện sự ghi nhận của DOC đối với nỗ lực hợp tác và minh bạch thông tin của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo doanh nghiệp cần tiếp tục thận trọng và theo sát vụ việc, do DOC vẫn có thể điều chỉnh mức thuế trong kết luận cuối cùng, dự kiến ban hành ngày 21/7/2025 (và có thể gia hạn). Trong giai đoạn tiếp theo, DOC sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp Việt Nam để xác minh thông tin đã cung cấp. Đồng thời, các bên có quyền gửi bình luận về phạm vi sản phẩm trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6/5/2025 và nộp phản biện trong vòng 7 ngày tiếp theo.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác đầy đủ, chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho quá trình thẩm tra và phản hồi các yêu cầu từ DOC để duy trì kết quả tích cực hiện tại đến giai đoạn kết luận cuối cùng.
Duy Trinh