Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ ngày càng được chú trọng
Hà Nội quyết tâm cán đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số năm 2023
Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn
Tuyên Quang: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Theo Bộ KH&CN, xu thế khu vực hóa đặc biệt diễn ra mạnh mẽ trên các cấp độ tiểu vùng, khu vực và liên khu vực, điển hình là ở Châu Á - Thái Bình Dương với mức độ và quy mô liên kết sâu rộng hơn, đồng thời, nhiều cơ chế mới hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng hợp tác và nâng cao vai trò của các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, hợp tác về KH&CN thuộc các khuôn khổ này cũng được đẩy mạnh theo hướng chủ động, nâng cao hiệu quả và thực chất. Nhiều cán bộ KH&CN của Việt Nam đã tham gia một cách tích cực và chủ động vào hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo thuộc các chương trình, dự án quan trọng của ASEAN, APEC, IAEA, WIPO, UNESCO, v.v; các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ lớn như Chương trình Horizon 2020 của EU, Chương trình Đồng tài trợ cho Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Đông Nam Á - Châu Âu (SEA-EU JFS), Chương trình Nghiên cứu chung Đông Á (e-ASIA JRP); Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (A4I); tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu về các vấn đề được quốc tế và khu vực quan tâm.
Giai đoạn vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam đã tham gia hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều nhất lần lượt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức, v.v. Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam đã có số công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science vượt ngưỡng 3.000 bài/năm (theo Sách KH&CN Việt nam năm 2016).
Ảnh minh hoạ
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam là 52.048 bài, đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 trong ASEAN về tổng số công bố quốc tế trong cả giai đoạn, trong đó, lĩnh vực có số công bố hợp tác quốc tế nhiều nhất là khoa học môi trường, kỹ thuật, điện và điện tử, khoa học vật liệu, đa ngành và vật lý (theo Sách KH&CN Việt Nam 2020).
Trong giai đoạn 2014-2023, gần 190 nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư được hỗ trợ thực hiện, với sự hợp tác của các viện, trường thuộc gần 20 Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với các đối tác từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc tất cả khu vực trên thế giới; 30 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu thuộc Chương trình Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương đến năm 2020 và Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 được hỗ trợ triển khai. Hợp tác trong một số lĩnh vực công nghệ cao như hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ được thúc đẩy.
Việc đào tạo cán bộ thông qua thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu chung trong các khuôn khổ thỏa thuận song phương, đa phương được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, các chuyến nghiên cứu ngắn hạn tại nước ngoài được hỗ trợ thông qua Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia. Bên cạnh đó, các dự án ODA trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo được tăng cường triển khai đã góp phần bổ sung đáng kể nguồn lực nước ngoài đầu tư cho KH&CN trong nước, bước đầu có tác động tích cực tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
Việc thu hút chuyên gia, nhà KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các chương trình đào tạo tại Việt Nam cũng được thúc đẩy. Hàng năm, có hàng trăm lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước cùng kết hợp với các nhà khoa học trong nước thực hiện hoạt động trao đổi học thuật theo các “kênh” khác nhau. Các mạng lưới về KH&CN và đổi mới sáng tạo kết nối với các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới dần được hình thành.
Thông qua các hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (TechDemo) hàng năm, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm quốc tế cũng như qua quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, Bộ KH&CN đã xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia quốc tế với hơn 500 công nghệ nước ngoài thuộc các lĩnh vực công nghệ, vật liệu, năng lượng, v.v, phục vụ công tác giới thiệu, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Việc kết nối với chuyên gia công nghệ quốc tế để cùng triển khai các chương trình, dự án, trao đổi kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, v.v. cũng được tăng cường.
Trong giai đoạn vừa qua, các hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN đã phần nào được ưu tiên hỗ trợ bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển KH&CN. Thông qua các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đã thu hút được gần 50 triệu USD (tương đương khoảng 1.150 tỷ đồng) kinh phí đóng góp từ đối tác nước ngoài (chưa kể các khoản đóng góp không quy đổi được). Việc thu hút nguồn lực tài chính, phi tài chính quốc tế thông qua lồng ghép hợp tác KH&CN vào các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, các khuôn khổ hợp tác, các văn kiện hợp tác ký kết với nước ngoài được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, các dự án ODA trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo đã thu hút sự hỗ trợ đáng kể từ các đối tác nước ngoài, đóng góp tích cực vào nguồn lực tài chính cho hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN. Các dự án này đã góp phần bổ sung đáng kể nguồn lực nước ngoài đầu tư cho KH&CN trong nước, bước đầu có tác động tích cực tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
Phong Lâm