Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang đối diện nhiều khó khăn

author 08:17 09/07/2022

(VietQ.vn) - Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn khi lạm phát tại các quốc gia đã đạt ở mức rất cao so với thời kỳ trước đó.

Dự báo, tình hình xuất khẩu sẽ còn khó khăn hơn so với nửa đầu năm. Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, EU và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, do lạm phát ở Mỹ, châu Âu đang lan ra khắp thế giới, người dân đang có xu hướng tập trung hơn vào những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, những mặt hàng không thiết yếu sẽ tiêu thụ chậm và giá cũng rất khó tăng trong thời điểm này.

Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 186 tỷ USD với mức tăng trưởng 13%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cán cân thương mại, hiện nay cả nước đang duy trì xuất siêu nhẹ ở mức khoảng 700 triệu USD. Điểm tích cực là tất cả nhóm hàng đều có tăng trưởng xuất khẩu rất tốt, đặc biệt là nhóm hàng thủy sản.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang đối diện nhiều khó khăn khi lạm phát tại các quốc gia đã đạt ở mức rất cao so với thời kỳ trước đó. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã cán mốc 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đối với EU, tỷ lệ lạm phát tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2022, lên mức 2,3%; Nhật Bản là 2,5%, Hàn Quốc là 5,4%, Trung Quốc là 2,1%. Các chuyên gia đánh giá xuất khẩu sẽ có phần khó khăn hơn do ảnh hưởng từ các thị trường đích dẫn đến người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi giá thành sản xuất tăng mạnh.

Ngoài ra, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc chưa bỏ chính sách Zero Covid. Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine chưa biết khi nào chấm dứt. Điều này ảnh hưởng mạnh đến giá nhiên liệu và tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, tình hình xuất khẩu dự báo sẽ còn khó khăn hơn so với nửa đầu năm.

Năm 2022, sự phục hồi của các nền kinh tế giúp Việt Nam kỳ vọng đạt được tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5%. Nhưng tác động của lạm phát hiện nay khiến cho hành vi tiêu dùng, quy mô tiêu dùng, thậm chí kỳ vọng tiêu dùng bị ảnh hưởng theo hướng thu hẹp do biến động của tăng giá, kéo theo tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng không chỉ cuối năm 2022, mà còn kéo dài sang cả năm 2023.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, cắt giảm chi phí, giữ ổn định cho lưu thông hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền việc tận dụng lợi ích của các FTA cũng như phòng, chống gian lận xuất xứ, các giải pháp ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại các quốc gia dựng lên cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:hàng hóa, lạm phát

tin liên quan

video hot