Một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân tại Việt Nam

author 06:54 05/07/2022

(VietQ.vn) - Hiện nay, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình liên kết vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước.

Mô hình liên kết sản xuất giống nho mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN 

Tóm tắt: Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân không chỉ thực hiện sự chuyên môn hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại, công nghệ cao mà còn là “chìa khóa” trong xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, mở ra cho hàng nông sản Việt Nam nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường thế giới, tăng cường năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Lợi ích liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân

Thứ nhất, thực hiện sự phân công lao động, chuyên môn hóa trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Mỗi chủ thể khi tham gia liên kết kinh tế sẽ đảm nhiệm một lĩnh vực hoặc một khâu mà mình có thế mạnh.

Chẳng hạn, với lợi thế và kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, các hộ nông dân có thể chuyên môn hóa trong canh tác, sản xuất, chăm bón; các doanh nghiệp chuyên môn hóa trong chuyển giao kỹ thuật sản xuất công nghệ cao trong chế biến, tiêu thụ hàng nông sản. Đặc biệt, đối với lĩnh vực chế biến sâu hàng nông sản, các hộ nông dân riêng lẻ khó có thể làm được vì thế vai trò của doanh nghiệp là rất lớn.

Nhóm hàng nông sản rau củ quả sẽ bị lãng phí nếu chỉ dừng lại ở tiêu thụ sản phẩm sơ chế. Trong khi đó, nếu được chế biến sâu, giá trị nông sản có thể tăng từ 10 đến 20 lần, từ đó gia tăng lợi nhuận. Khi các nhà máy chế biến sâu ra đời, nhất là những nhà máy công suất lớn do những doanh nghiệp lớn đảm nhiệm, nông sản của hộ nông dân sẽ đảm bảo được tiêu thụ toàn bộ, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.

Thứ hai, tạo sự ổn định, sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản. Nếu không có liên kết kinh tế, các chủ thể khó có đủ nguồn lực để ổn định sản xuất (có thể thiếu vốn, công nghệ, lao động, đất đai cũng như thiếu nguồn tiêu thụ, cung ứng hàng nông sản).

Do đó với sự liên kết như vậy sẽ giúp các chủ thể yên tâm sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản có chất lượng cao, giảm chi phí trung gian để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài như khủng hoảng kinh tế, thiên tai và các rủi ro khác.

Hơn nữa, tham gia liên kết kinh tế, với việc tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực, đặc biệt là vốn và khoa học công nghệ, quy trình sản xuất chặt chẽ theo từng khâu, phải đảm bảo yêu cầu khắt khe theo nhiều tiêu chuẩn như GLOBALGAP, USDA, PGS sẽ làm cho sản xuất ổn định hơn. Đồng thời, chất lượng và giá trị hàng nông sản được nâng lên, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.

Thứ ba, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại, công nghệ cao. Liên kết kinh tế tạo cơ hội và kích thích các chủ thể kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, chuyển giao công nghệ cho nhau với chi phí hợp lý, thời gian nhanh chóng. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra khối lượng hàng nông sản lớn hơn và đảm bảo những quy định nghiêm ngặt trong từng khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản, đồng thời, tạo ra giá trị gia tăng cho hàng nông sản.

Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất (bao gồm cơ cấu cây trồng, vật nuôi) theo hướng chuyên môn hóa theo vùng lãnh thổ và mở rộng liên kết vùng. Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân với vùng nguyên liệu tập trung có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

Liên kết kinh tế một mặt quy tụ, tập trung các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành cụm, thành tổ, thành nhóm để thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng như thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát hay thu mua nông sản; mặt khác, hướng sản xuất vào một loại cây, con thế mạnh nhất định như năng suất, chất lượng cao, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Từ đó, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.

Thứ năm, giải quyết các khó khăn giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Với sự phát triển không đều của lực lượng sản xuất, mỗi chủ thể trong nền kinh tế đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Do đó, để phát huy những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu, các chủ thể kinh tế cần liên kết với nhau.

Với doanh nghiệp và hộ nông dân, khi nguồn cung ổn định và lợi ích được tối đa hóa thì đều hướng đến là giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí giao dịch, giảm giá thành, cung cấp nông sản chất lượng tốt hơn. Để làm được điều đó, doanh nghiệp và hộ nông dân cần hỗ trợ nhau bằng cách sử dụng, phát huy lợi thế so sánh của hai bên, để bổ sung cho nhau và cùng phát triển.

Dưới hình thức kết hợp doanh nghiệp và nông dân cùng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng thế mạnh của mình là cung ứng vốn, nguyên vật liệu, đầu tư quy trình khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường. Trong khi đó, hộ nông dân sử dụng thế mạnh của mình là cung ứng đất đai, lao động để tiến hành sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo hàng nông sản có chất lượng tốt.

Thứ sáu, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thông qua liên kết kinh tế sẽ làm thay đổi tư duy tiểu nông, sản xuất nhỏ trong nông nghiệp mà thay vào đó là tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nền kinh tế thị trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tình hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân ở Việt Nam hiện nay

Về mô hình liên kết, từ các chính sách, chính quyền các địa phương đã xây dựng được 26 mô hình chuỗi liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 18 mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ mía đường và 8 mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Có 1.621 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận với 2.346 sản phẩm.

Về số hộ nông dân tham gia liên kết chỉ chiếm khoảng 6% tổng số hộ nông dân trên cả nước và số doanh nghiệp tham gia liên kết cũng chỉ chiếm xấp xỉ 25% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Về số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, con số này càng thấp hơn nữa, chỉ chiếm 1,2% tổng số doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác nhau đang hoạt động trong cả nước.

Về sản lượng hàng nông sản, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết.

Về chất lượng hàng nông sản, tỷ lệ thực hiện các quy trình an toàn như VietGap, GlobalGap trong các chuỗi liên kết còn thấp, vẫn chỉ dao động trong khoảng 3-5%.

Như vậy có thể thấy, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân ở Việt Nam mặc dù có được một số thành tựu nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế như sau:

Thứ nhất, số lượng liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trên cả nước vẫn chưa nhiều và chưa được nhân rộng, còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của đất nước.

Thứ hai, quy mô liên kết còn nhỏ, chủ yếu doanh nghiệp và hộ nông dân vẫn liên kết ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, thể hiện ở cả diện tích liên kết cũng như số lượng hộ nông dân và số doanh nghiệp tham gia liên kết.

Thứ ba, doanh nghiệp và hộ nông dân còn bị động trong việc lựa chọn mặt hàng để sản xuất và cách thức sản xuất trong hoạt động liên kết. Đồng thời, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí cho việc tìm kiếm nguồn cung đầu vào như đất đai, giống, hạ tầng giao thông, tìm kiếm nguồn chế biến, bảo quản, tìm kiếm thị trường phù hợp với nhu cầu và mục đích liên kết kinh tế.

Thứ tư, trong liên kết việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất còn ở phạm vi hẹp, tiêu chuẩn công nghệ an toàn đạt chất lượng quốc tế như USDA, ACO, OFC, GloBAL chưa phổ biến. Tiêu chuẩn khoa học công nghệ vẫn chủ yếu dựa trên quy trình tự thân, tự công bố, tự kiểm định hoặc do chính quyền từng tỉnh, thành phố đặt ra.

Chính vì vậy, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân khó mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, đồng thời còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, nhất là việc sử dụng các loại phân bón vô cơ gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, trong liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân đi vào sản xuất theo hướng hữu cơ (Organic) còn ít, chỉ mới có một vài doanh nghiệp áp dụng. Đây là xu hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai.

Thứ năm, giải quyết quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp và hộ nông dân còn nhiều vướng mắc khiến mối liên kết này chưa thực sự bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.

Vì những bất cập nêu trên nên liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân ở Việt Nam vẫn chưa trở thành xu thế, đang trong giai đoạn phát triển tự phát, liên kết thụ động, chưa bền vững, còn lỏng lẻo, nhiều bất cập. Vì vậy, liên kết kinh tế không tránh khỏi những rủi ro và khó khăn. Mô hình liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị nông sản còn ít nên toàn ngành nông nghiệp nói chung phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng.

Một số gợi ý giải pháp nhằm tăng cường liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân

Thúc đẩy liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân cần một hệ thống giải pháp đồng bộ và hiệu quả như một số gợi ý sau.

Thứ nhất, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân

Về chính sách đất đai: Cần quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất chuyên canh dựa trên các điều kiện sinh thái thổ nhưỡng thích hợp nhất với loại cây con được quy hoạch, những diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng kém hiệu quả cũng cần được tính toán, chuyển đổi sang các loại cây trồng vật nuôi khác để liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên;

Cần thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ nông dân để giúp họ có nguồn lực liên kết kinh tế với doanh nghiệp. Đồng thời, có thể sử dụng quyền sử dụng đất của mình để làm tài sản thế chấp vay vốn phát triển và thực hiện liên kết ổn định, bền vững hơn.

 Nông sản Việt ngày càng đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Về chính sách tài chính (hỗ trợ thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh): Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định về thẩm định các điều kiện được vay vốn chặt chẽ hơn; Đặc biệt cần chú ý hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân vay vốn ưu đãi để sản xuất nông nghiệp ở các khâu mua cây con giống; Đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc ứng dụng công nghệ cao; Mở rộng diện tích sản xuất, dồn điền đổi thửa với lãi suất hợp lý, dài hạn đủ để doanh nghiệp nông nghiệp và hộ nông dân thu hồi vốn và có lãi.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân: Cần nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai và quản lý quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ ở cả khu vực thành thị và nông thôn; Tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch”; Đưa ra những ưu đãi cần thiết đối với dự án nằm trong danh mục có tính chất trọng tâm, trọng điểm để khuyến khích đầu tư.

Thứ hai, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và hộ nông dân trong liên kết kinh tế

Đối với doanh nghiệp:

Một là, doanh nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn trong sản xuất kinh doanh, tăng tích lũy vốn để tăng sức mạnh vật chất trong liên kết kinh tế; Tham gia các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin kinh tế, kỹ thuật, thị trường để có chiến lược kinh doanh hiệu quả phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Đặc biệt mỗi doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân cần có những hiểu biết căn bản về loại nông sản mình đầu tư.

Hai là, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo không ngừng, có kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo hướng sử dụng thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại để giảm thiểu chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, bắt kịp với xu thế và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường; Giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất và chất lượng thấp.

Ba là, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị của mình, không ngừng xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý với hàng nông sản.

Bốn là, doanh nghiệp cần nắm bắt các phương thức kinh doanh mới trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 như sự phát triển của thương mại điện tử, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Đối với hộ nông dân:

Một là, hộ nông dân cần nâng cao năng lực về chuyên môn kỹ thuật từ khâu giống, chăm bón cho đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ và không ngừng tiếp nhận những kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Hai là, hộ nông dân cần nâng cao trình độ hiểu biết về thị trường, cần được trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế thị trường để có hiểu biết hơn về sản xuất hàng hóa, kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, trang bị kiến thức về cách xây dựng và đánh giá dự án, từ cấp độ đánh giá được mức độ khả thi của dự án, quá trình triển khai đến đánh giá mức độ hiệu quả của dự án, cách thức thu thập, nắm bắt thông tin, cũng như nâng cao trình độ tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh. Từ đó, nâng cao năng lực tham gia thị trường của hộ nông dân.

Ba là, hộ nông dân cần nâng cao hiểu biết về liên kết kinh tế, về các hợp đồng nông sản để bảo vệ lợi ích chính đáng của bản thân, để có được những hợp đồng nông sản tốt hơn, tránh tình trạng bị doanh nghiệp “chèn ép”, “bắt chẹt”, bên cạnh đó là ý thức pháp luật.

Bốn là, hộ nông dân cần học hỏi tư duy, tầm nhìn dài hạn, tránh tâm lý “ăn xổi”, ham lợi trước mắt vì thương lái và doanh nghiệp thường lợi dụng điểm yếu này của hộ nông dân để ép giá, lũng đoạn thị trường.

Những yếu tố trên sẽ dần dần từng bước gắn chặt nông nghiệp với công nghiệp, đưa hộ nông dân trở thành những hộ nông dân hiện đại, có trình độ, kỹ năng, làm quen với tư duy, kỷ luật công nghiệp, có tri thức, có khả năng ứng dụng công nghệ cao để sản xất chuyên môn hóa, tự động hóa, làm cho liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trở thành bước đệm để hộ nông dân phát triển sứ mệnh của mình.

Thứ ba, giải quyết quan hệ lợi ích trong liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân

Các nhà sản xuất, kinh doanh, dù là doanh nghiệp hay hộ nông dân thì mục đích chính là đảm bảo lợi ích trong hành động. Khi thực hiện liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, sự phân chia lợi ích giữa doanh nghiệp và hộ nông dân là vấn đề phức tạp nhất. Những mâu thuẫn luôn có thể xảy ra khi một bên nào đó muốn giành nhiều lợi ích hơn, vì thế làm tổn hại đến lợi ích của bên kia, dẫn tới hậu quả làm tan rã liên kết.

Trong mối liên kết kinh tế, người nông dân thường ở thế bị động hơn, ít có khả năng tự chủ, phụ thuộc vào doanh nghiệp. Những vấn đề như “được mùa - mất giá”, “được giá - mất mùa”, bị ép giá là những vấn đề thường xuyên của thị trường. Nguyên nhân là do hộ nông dân đa phần còn hạn chế về nhận thức, chưa chú trọng tìm hiểu luật kinh tế, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hợp đồng kinh tế.

Do đó, để đảm bảo cho sự liên kết ổn định, bền vững, một trong những giải pháp là hài hòa quan hệ lợi ích trong liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trên cơ sở thực hiện nguyên tắc cả hai bên cùng có lợi theo sự đóng góp thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các bên. Bên cạnh đó là tuân thủ hợp đồng liên kết kinh tế đã có của hai bên.

Nhà nước cần phát huy vai trò, trách nhiệm là chủ thể dẫn dắt, định hướng cũng như “trọng tài” để làm cầu nối vững chắc cho mối liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân. Công cụ của nhà nước chính là các phương án, chế tài, các quy định cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo lợi ích cũng như giải quyết tranh chấp lợi ích giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.

Thứ tư, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Các doanh nghiệp và hộ nông dân cần chủ động trong xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về các FTAs, CPTPP, EVFTA, cần ứng dụng tiêu chuẩn kỹ thuật có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn của quốc tế như VietGAP, ISO, HACCP hay các tiêu chuẩn quốc tế như USDA organic (Mỹ), JAS (Nhật Bản), AB (Pháp), OFC (Úc) trong sản xuất, chế biến để giúp hàng nông sản Việt Nam ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh và xâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính nhưng tiềm năng.

Như vậy, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân là vấn đề tất yếu khách quan, có tính quy luật. Đây là hình thức phát triển cao hơn của các quan hệ kinh tế trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho quá trình phân công lao động sâu sắc hơn, các lợi ích kinh tế được giải quyết triệt để hơn và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho hàng nông sản.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, có nhiều bứt phá nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân vẫn là lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất để đem đến lợi ích và sự ổn định cho doanh nghiệp và hộ nông dân cũng như duy trì sản lượng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

TS. Phùng Lê Dung - Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang