Tưởng nhớ Nam Cao nhân dịp 100 năm ngày sinh

author 18:11 30/10/2015

(VietQ.vn) - Ngày 29-10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp gia đình nhà văn Nam Cao tổ chức hội thảo “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Nam Cao (1915-2015)”, với sự tham gia của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học

Nhà văn Nam Cao sinh ngày 29-10-1915, tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn học hiện thực nước nhà giai đoạn 1930-1945, đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật ở các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, phản ánh thân phận khốn cùng, bi kịch của những người nông dân nghèo ở làng quê và các trí thức tiểu tư sản của thành thị Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như: “Chí Phèo”, “Mua danh”, “Tư cách mõ”, “Một bữa no”, “Lão Hạc”, “Một đám cưới”, “Giăng sáng”, “Mua nhà”, "Đời thừa”...

GS.TS Trần Đăng Suyền nhận định: “Ngòi bút Nam Cao có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào đời sống tinh thần của con người, khám phá “con người trong con người” dù là viết về người nông dân hay trí thức. Đối với Nam Cao, cái quan trong hơn cả trong nhiệm vụ phản ánh chân thạt cuộc sống là cái chân thật của tư tưởng, của nội tâm nhân vật. Ông có khả năng vươn tới những vấn đề triết học, khái quát những quy luật chung của cuộc sống như vật chất và ý thức, hoàn cảnh và con người, môi trường và tính cách…”.

hội thảoBà Trần Thị Hồng con gái nhà văn Nam Cao phát biểu tại hội thảo

Trong suốt cuộc đời, nhà văn Nam Cao chưa bao giờ được hưởng vinh quang từ tác phẩm của mình, một đời thầm lặng, nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, ông là người đã đưa  văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 lên đỉnh cao.

Hội thảo là dịp để khẳng định những đóng góp của nhà văn Nam Cao trong nền văn học hiện thực Việt Nam; là cơ hội để các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình chia sẻ những cảm nhận về liệt sĩ-nhà văn Nam Cao. Đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu với nhiều tìm tòi phát hiện mới mẻ về con người và tác phẩm Nam Cao.

Thu Thủy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang