Hơn 13.000 ô tô sắp hết niên hạn sử dụng

author 05:41 22/12/2023

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1/1/2024, cả nước sẽ có 13.836 ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó TP.HCM chiếm nhiều nhất với 3.449 xe.

Cụ thể, tổng số xe hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2024 là 13.836 ô tô, trong đó có 7.108 xe chở người, 6.728 xe chở hàng. Tại danh sách này, TP.HCM là địa phương có số xe sẽ hết niên hạn từ năm 2024 nhiều nhất với 3.449 xe, trong đó có 1.786 xe khách, 1.663 xe tải. Hà Nội là địa phương có số xe hết niên hạn đứng thứ 2 với 2.169 xe, bao gồm 1.018 xe khách và 1.151 xe tải.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cuối mỗi năm đơn vị sẽ tổng hợp thống kê và gửi danh sách xe hết niên hạn của năm sau gửi về các cơ quan, địa phương nhằm phối hợp kiểm soát, xử lý nếu phương tiện vẫn tiếp tục tham gia giao thông. Danh sách chi tiết toàn bộ xe hết niên hạn sử dụng đã được Cục Đăng kiểm đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục.

Niên hạn sử dụng của các loại xe ô tô hiện đang được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP; Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư 21/2010/TT-BGTVT. Theo đó, khi xe hết niên hạn không còn hiệu lực sử dụng, chủ phương tiện sẽ được cơ quan quản lý đăng ký xe thông báo xe đã hết niên hạn. Trong 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, chủ xe cần nộp lại đăng ký, biển số xe và gửi cho cơ quan quản lý đăng ký xe. Trong trường hợp chủ xe không chấp hành việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số, sẽ bị phạt.

 Từ ngày 1/1/2024, cả nước sẽ có 13.836 ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó TP.HCM chiếm nhiều nhất với 3.449 xe. Ảnh minh họa 

Niên hạn sử dụng xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người 

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định của Bộ Giao thông vận tải về niên hạn sử dụng xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người có quy định như sau: Không vượt quá 25 năm đối với ô tô chở hàng; khi ô tô chở người quá niên hạn sử dụng thì sẽ được chuyển đổi thành ô tô chở hàng; ô tô chở hàng sẽ được chuyển đổi thành ô tô chuyên dùng; và ô tô chuyên dùng, ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (tính cả chỗ người lái) chuyển đổi sang ô tô chở hàng

Không vượt quá 20 năm đối với ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái) và ô tô chở người chuyên dùng sẽ chuyển đổi thành ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (tính cả chỗ người lái).

Không quá 17 năm đối với loại ô tô chở người chuyển đổi sang mục đích sử dụng, ô tô chở hàng đã chuyển đổi qua ô tô chở người trước ngày 1/1/2002. Riêng các ô tô chở khách đến 9 chỗ ngồi (kể cả người lái), ô tô chuyên dùng, xe rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc thì không có niên hạn sử dụng.

Như vậy, thời hạn sử dụng đối với các xe ô tô chở hàng là 25 năm trong khi đó niên hạn sử dụng của xe ô tô chở người trên 10 chỗ ngồi là 20 năm. Và xe ô tô chở người 9 chỗ (có cả người lái) không có niên hạn sử dụng. Tại đây có thể thấy rõ, đối với xe ô tô dưới 9 chỗ thì không có thời hạn sử dụng.

 
Đề cập tới những nguy hiểm khi sử dụng xe hết niên hạn, theo các trung tâm đăng kiểm, việc những chiếc xe ô tô cũ, nát, hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông có thể gây ra những sự cố đáng tiếc, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Không còn đủ chất lượng để kiểm định, những chiếc xe này có thể gặp trục trặc kỹ thuật, mất phanh, mất lái,… khiến tài xế không kiểm soát được và hậu quả là những vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra.

Tuy nhiên, theo các trung tâm đăng kiểm, tâm lý coi thường pháp luật, xem nhẹ sự an toàn của cộng đồng khiến không ít người cố ý buôn bán, sử dụng xe hết niên hạn vào mục đích giao thông. Bằng chứng, nhiều chủ xe không đưa xe đi đăng kiểm định kỳ trước khi xe hết niên hạn, bán xe nhưng không làm thủ tục sang tên, hoặc có người chuyên đi mua xe sắp hết niên hạn để được giá rẻ rồi bán lại kiếm lời.

Nguy hiểm hơn, để qua mặt được cơ quan chức năng những chiếc xe hết hạn sử dụng này ít lưu hành trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ mà chủ yếu lén lút tham gia giao thông ở các vùng nông thôn, miền núi, nếu không ngăn chặn dứt điểm sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân vì nguy cơ gây tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
 

Quy định những loại xe ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn về niên hạn

Căn cứ Điều 3 Thông tư 21/2010/TT-BGTVT quy định 04 loại xe ô tô chở người và xe ô tô chở hàng nêu sau phải đáp ứng tiêu chuẩn về niên hạn sử dụng:

Thứ nhất ô tô chở hàng (ô tô tải) là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chuyên chở hàng như: Ô tô tải thông dụng có thùng hàng dạng hở (có thể có mui phủ) hoặc dạng hộp, ô tô tải tự đổ, ô tô tải có cần cẩu, ô tô tải có thiết bị nâng hạ hàng, ô tô tải bảo ôn, ô tô tải đông lạnh, ô tô pick-up chở hàng (ca bin đơn, kép), ô tô tải VAN.

Thứ hai ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng): Là ô tô tải có kết cấu và trang bị đặc biệt để chuyên chở một loại hàng hoá nhất định như: ô tô chở ô tô con, ô tô chở xe máy thi công, ô tô xi tec, ô tô chở rác, ô tô đầu kéo, ô tô chở bê tông ướt, ô tô chở bình ga.

Thứ 3 ô tô chở người (ô tô khách): Là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chở người và hành lý mang theo có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái), ô tô chở người chuyên dùng (ô tô cứu thương, ô tô tang lễ, ô tô chở người tàn tật, ô tô chở trẻ em, ô tô cứu hộ mỏ).

Thứ 4 ô tô chuyên dùng: Là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng nhất định như: ô tô chữa cháy, ô tô quét đường, ô tô hút chất thải, ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô bơm bê tông, ô tô cần cẩu, ô tô thang, ô tô khoan, ô tô cứu hộ (ô tô kéo xe hỏng), ô tô chở tiền, ô tô truyền hình lưu động, ô tô đo sóng truyền hình lưu động, ô tô rải nhựa đường, ô tô kiểm tra và bảo dưỡng cầu, ô tô kiểm tra cáp điện ngầm, ô tô chụp X-quang, ô tô phẫu thuật lưu động.

Vậy chủ xe cần làm gì với phương tiện hết hạn sử dụng? 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó quy định, đến ngày 01/01/2018, môtô, xe gắn máy, ôtô các loại hết thời hạn sử dụng sẽ bị tịch thu.

Theo quyết định này, người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ bằng cách tự chuyển đến chỗ thu hồi; chuyển giao cho cá nhân, tổ chức thu gom; chuyển giao cho các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp; chuyển lại cho các tổ chức cá nhân, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế sản phẩm.

Về quyền lợi, người tiêu dùng được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường và thông báo cho Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc Sở Tài nguyên và môi trường địa phương biết trong trường hợp nhà sản xuất từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang