Tạm giữ hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 15:50 14/12/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Bắc Ninh vừa tạm giữ hơn 5.000 nghìn đơn vị sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Theo tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh, đơn vị này vừa phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Ninh, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, phát hiện lượng lớn sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, ngay sau khi nhận được nội dung thông tin và đề nghị phối hợp của Công an tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Cục QLTT Bắc Ninh chỉ đạo Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bắc Ninh; Công an huyện Quế Võ; Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh; Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm của ông Nguyễn Văn Cương có địa chỉ tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm.

Lượng lớn mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu được lực lượng chức năng Bắc Ninh tiến hành tạm giữ. Ảnh: Hà Nhi

Kết quả kiểm tra phát hiện và tạm giữ trên 5.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm là nước hoa, son môi, kem mắt, nước hoa hồng… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm trên bao gồm: 1.497 sản phẩm nước hoa mang các nhãn hiệu VERSACE, GUCCI, SANTAL33, THE NOIR 29, DIOR, LELABO, GIORGIO ARMANI, CHANEL, CALVIN KLEIN, YSL, LANCÔME, DOLCE & GABBANA, MOSCHINO, MAISON MARGIELA, NARCISO RODRIGUEZ, JEAN PAUL GAUTIER, LOVE STORY, TOMFORD; 2.866 sản phẩm son môi mang các nhãn hiệu GUCCI, HERMES, GIVENCHI, MAC, CHANEL, YSL, TOMFORD, DIOR, LANCÔME; 15 sản phẩm phấn mắt mang nhãn hiệu GUCCI; 68 sản phẩm nước hoa hồng, nước dưỡng da mang nhãn hiệu MAMONDE, KEIHL’S; 83 sản phẩm kem mắt, kem trị mụn mang nhãn hiệu ESTEE LAUDER, ORDINARY, CICAPLAST; 550 vỏ lọ thuỷ tinh các loại và 1kg tem, nhãn các loại.

Tại thời điểm kiểm tra ông Nguyễn Văn Cương chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để phối hợp với lực lượng Công an xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh cũng đã phối hợp với lực lượng công an khám phương tiện vận chuyển, tạm giữ gần 5.000 hộp mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh nhận được nguồn tin báo của quần chúng nhân dân về xe ô tô BKS: 98C-235.00 do ông Giáp Văn Đạo, địa chỉ: Phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang điều khiển đi từ hướng Bắc Giang về Hà Nội qua địa phận thành phố Bắc Ninh, vận chuyển hàng hóa là mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu vi phạm.

Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành cho dừng và đưa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 1 khám phương tiện vận tải do ông Giáp Văn Đạo điều khiển.

Kết quả khám phương tiện phát hiện trên xe có 3.100 hộp dưỡng trắng da ngọc trai the new skin, 280 hộp sữa rửa mặt Daxuenilan 100g và 1.150 hộp kem dưỡng da Gohn son’n baby có tổng trị giá ước tính khoảng 50 triệu đồng.

Theo ghi nhận ban đầu của lực lượng chức năng, toàn bộ số mỹ phẩm trên do nước ngoài sản xuất, lái xe chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 1 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ tình tiết theo đúng quy định của pháp luật.

Mỹ phẩm chất lượng cao cần có tiêu chuẩn gì?

Để sản xuất mỹ phẩm trong nước, các công ty mỹ phẩm phải có nhà máy sản xuất đạt chất lượng CGMP – ASEAN. Để lưu hành phải qua sự kiểm duyệt gay gắt mới được cấp chứng nhận ISO 9001 và ISO 22716.

Chất lượng CGMP – ASEAN là gì?

CGMP là thuật ngữ, được viết tắt của cụm từ “Cosmetic Good Manufacturing Practices”, nghĩa là thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm bao gồm những nguyên tắc chung, quy định và hướng dẫn về điều kiện sản xuất, quy trình sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn cho người dùng.

Các cơ sở sản xuất mỹ thẩm đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chuẩn CGMP – ASEAN sẽ được cấp giấy chứng nhận chất lượng quốc tế CGMP – ASEAN của Bộ Y Tế. Chứng nhận này đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất đáp ứng chuẩn xác các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, nhân sự, tính vệ sinh an toàn trong theo tác sản xuất, kiểm định sản phẩm, lập hồ sơ chất lượng sản phẩm và hỗ trợ khách hàng.

Tiêu chuẩn ISO 22716 là gì?

Tiêu chuẩn ISO 22716:2007, tên đầy đủ là Cosmetics — Good Manufacturing Practices (GMP) — Guidelines on Good Manufacturing Practices, thường được biết đến là Hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) cho mỹ phẩm. Tiêu chuẩn ISO 22716 đưa ra các hướng dẫn về việc sản xuất, kiểm soát, lưu trữ và phân phối các sản phẩm mỹ phẩm. Tiêu chuẩn này cũng được sắp xếp để phù hợp với các hệ thống quản lý chất lượng hiện tại như ISO 9001.

Để đạt được tiêu chuẩn ISO 22716, các doanh nghiệp phải đảm bảo mọi quy trình của chuỗi cung ứng mỹ phẩm, tập trung vào sự an toàn và chất lượng của sản phẩm. Việc tuân thủ danh mục các quy định của tiêu chuẩn ISO 27716 chính là cách để kiểm soát chất lượng sản phẩm, cũng như tác động của sản phẩm đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà cung cấp và chuỗi bán lẻ.

Theo hướng dẫn ISO 22716, hệ thống sản xuất của công ty bạn sẽ được kiểm tra và kiểm tra trên các lĩnh vực sau: Khiếu nại và thu hồi; Hợp đồng / hợp đồng thầu phụ; Tài liệu và hồ sơ; Kiểm toán nội bộ và kiểm soát chất lượng phòng thí nghiệm; Quản lý vật liệu; Đóng gói và dán nhãn; Nhân viên; Mặt bằng, tòa nhà hoặc cơ sở; Kiểm soát sản xuất và trong quá trình; Lưu trữ và phân phối.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang