Hưng Yên: Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh 1.598 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu

author 15:00 13/06/2024

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra về chất lượng hàng hóa trên địa bàn, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã phát hiện 02 cơ sở kinh doanh sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook rao bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên thông tin, thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn có bước phát triển nhanh. Bên cạnh lợi ích do thương mại điện tử đem lại, đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ðáng chú ý, một số đối tượng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… đã cắt ghép, chèn các thông tin, hình ảnh, khi có khách đặt hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu họ để lại địa chỉ, số điện thoại, sau đó liên hệ tư vấn, chốt đơn hàng rồi sử dụng dịch vụ vận tải, bưu chính để chuyển hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.

Kết quả, ngay khi ra quân, Đội QLTT số 4 phối hợp Đội cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự - Kinh tế - Ma tuý thuộc Công an thị xã Mỹ Hào, Công an tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh của ông Đ.V.D (Đường Nguyễn Văn Linh, Phường Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên). 

Hưng Yên thu giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Cục QLTT Hưng Yên)

Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định điểm c khoản 1 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; Hộ kinh doanh đang kinh doanh mặt hàng phụ tùng xe đạp điện, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bao gồm: 1400 chiếc giảm sóc sau dùng cho xe đạp điện; 180 chiếc càng trước xe đạp điện. Tổng trị giá hàng hoá theo giá niêm gần: 50.000.000 đồng. Ông D. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Trên sản phẩm không xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá.

Tại buổi làm việc, hộ kinh doanh cho biết, trước đây ông có làm cho một số công ty sản xuất, kinh doanh mặt hàng xe đạp điện, máy điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên thời gian từ giữa tháng 04 năm 2024 ông xin nghỉ làm và chuyển hướng tự kinh doanh. Thông qua mạng xã hội (như: Facebook, Tiktok) ông đã tìm hiểu nhu cầu và chào hàng khách hàng mua hàng, cũng như các nhà cung cấp phụ tùng xe đạp điện, xe máy điện để mua, bán kiếm lời. 

Toàn bộ số hàng hóa nêu trên được mua lại của một người đàn ông hơn 40 tuổi không rõ tên tuổi, địa chỉ. Khi mua, người bán có cho biết hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hoá được mua đi bán lại qua nhiều người nên không xác định được nguồn gốc xuất xứ.

Ngay sau khi xác minh, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 25.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vụ việc tiếp theo, qua rà soát trên địa bàn và thực hiện biện pháp nghiệp vụ xác minh thông tin, Đội QLTT số 4 phát hiện hộ kinh doanh B.T, địa chỉ tại phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên có sử dụng tài khoản facebook, đăng bài quảng cáo hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu BURBERRY và HERMÈS. 

Tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện hộ kinh doanh trên đang bán 05 chiếc áo phông ghi nhãn hiệu BURBERRY; 10 đôi dép da ghi nhãn hiệu HERMÈS; 3 chiếc thắt lưng ghi nhãn hiệu BURBERRY và hình. Trị giá hàng hoá theo giá niêm yết là: 3.060.000 đồng. Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 6.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nêu trên.

Theo Cục QLTT tỉnh Hưng Yên, trong môi trường công nghệ số bùng nổ như hiện nay, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới. Do vậy, để đấu tranh hiệu quả với hành vi gian lận thương mại, rất cần cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế hiện nay, đòi hỏi các đơn vị chức năng cần quản lý hàng hóa theo địa bàn, phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác đối với các đầu số, trang mạng có dấu hiệu lừa đảo hoặc bán hàng giả, kém chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, rà soát doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn kịp thời từ sớm, từ xa.

Ðối với loại hình mới như vận chuyển logistics, các loại xe gắn mác bưu chính, vận chuyển thư, báo phải bảo đảm các quy định hiện hành trong nước và quốc tế. Riêng lực lượng chuyên trách cần được trang bị những giải pháp công nghệ thích hợp để giám sát các hoạt động thương mại điện tử; gắn mã định danh hàng hóa đối với doanh nghiệp, cá nhân, sàn giao dịch, tổ chức bán hàng online.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang